2 năm vắng lặng của phố Mã Lai ở TP.HCM

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hơn 100 m đường Nguyễn An Ninh (quận 1) đối diện cửa Tây chợ Bến Thành được người dân và du khách gọi là “Saigon Halal street” hay phố Mã Lai, vì nơi đây đón lượng lớn khách du lịch từ Malaysia. Đối mặt với dịch Covid-19, khu phố du lịch quốc tế này ở TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề trong 2 năm qua.
2 năm vắng lặng của phố Mã Lai ở TP.HCM
Khu phố Mã Lai đông đúc thời trước dịch (ảnh chụp vào tháng 2/2020). Ảnh: Ý Linh.

“Sinh ra và lớn lên ở phố này, cả gia đình tôi đã sống ở đây 70 năm, nhưng chưa bao giờ tôi thấy con phố ‘chết lặng’ như bây giờ. Ban ngày đã đìu hiu, buổi tối còn vắng lặng đến sợ”, chị Linh Phạm, cư dân ở đây mô tả.

Thời khu phố còn sầm uất, chị Linh muốn vào nhà có khi phải đi bộ len lỏi qua dòng người chen chúc, bước qua các sạp hàng trên vỉa hè để lách vào cổng hẻm lên nhà mình. Bây giờ, chị chậm rãi đi trên vỉa hè, vẫn ôm đồ khép nép không phải tránh đông người, mà do sợ cướp giật.

Quá khứ của khu phố

Trước khi có tên gọi là phố Mã Lai, đường Nguyễn An Ninh từng là địa chỉ lưu trú quen thuộc của bộ phận khách du lịch phương Tây. Khi đó nơi này có chợ đêm, người Việt mở nhiều hàng quán và bán đồ lưu niệm.

Du khách từ Malaysia đến Việt Nam hầu hết tập trung ở TP.HCM. Từ năm 2011, một tiểu thương nhận thấy tiềm năng từ nguồn khách này, đã tiên phong mở loạt cửa hàng kinh doanh ẩm thực, trang phục dành cho người đến từ Malaysia, đồng thời cũng thu hút du khách từ các nước theo đạo Hồi khác. Các cư dân nơi đây cho biết nhiều chủ cửa hàng kinh doanh đồ Mã Lai chấp nhận trả phí thuê mặt bằng cao hơn nên đã “chiếm lĩnh” được con phố.

Quay về thời điểm trước tháng 4/2020, cứ khoảng 18h30-23h, đường Nguyễn An Ninh lại nhộn nhịp. Các hàng quán lên đèn sáng trưng. Tiểu thương bày những sạp hàng nhỏ tràn ra vỉa hè. Đông du khách đi bộ qua lại ngắm nghía, mua sắm, ăn uống.

Đặc trưng của phố Mã Lai là hình ảnh các du khách mặc trang phục truyền thống của Hồi giáo (ảnh chụp vào tháng 2/2020). Ảnh: Ý Linh.

Cả khu phố có gần 100 cơ sở kinh doanh, đa số bán trang phục, đồ lưu niệm cùng 6 nhà hàng ẩm thực Malaysia và Hồi giáo nói chung. Tại đây, mọi người thường giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Malaysia, tiếng dân tộc Chăm ở Việt Nam. Từ cửa hàng lớn cho đến xe hàng rong, du khách có thể giao dịch bằng đồng tiền Việt, USD hoặc Malaysia ringgit (1 ringgit xấp xỉ 5.500 đồng).

Những ai từng đến phố Mã Lai TP.HCM chắc không quên hình ảnh cả con đường tràn ngập những tấm khăn choàng đầu trên người các nữ du khách và mannequin (ma-nơ-canh) trưng bày. Chiếc khăn hijab truyền thống của họ là mặt hàng được bày bán nhiều nhất ở đây.

Người nào theo đạo Hồi du lịch đến thành phố, có thể dễ dàng tìm món ăn Halal ở đây. Tất cả nhà hàng và hầu hết hàng rong bán đồ ăn thức uống trên phố đều có biểu tượng chữ Halal. Đây là dấu hiệu nhận biết nơi bán những món ăn đạt quy chuẩn Hồi giáo mà người theo đạo phải tuân theo.

“Người Việt cũng như khách ngoại quốc khác không chuộng ăn và không dùng đồ kiểu của họ nên ít vào chơi. Khu phố nghiễm nhiên trở thành ’vương quốc Mã Lai’ giữa TP.HCM”, một cư dân nói.

Con phố “chết”

“Người dân sống ở đây không nhiều. Những hàng xóm lâu năm của nhà tôi và đa số cư dân trước đây đều đã rời TP.HCM từ lâu. Nhà cửa thì được người khác mua lại và cho thuê kinh doanh như hiện tại. Do đó, khi cửa hàng đóng cửa, cư dân lại ít ra ngoài, nhìn con phố không còn sức sống”, chị Linh Phạm cho biết.

Các cơ sở kinh doanh ở mấy đường xung quanh như Trương Định, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tôn, Thủ Khoa Huân… đã mở lại, hoặc nhiều cửa hàng phải đóng cửa hẳn nhưng sẽ có chủ mới kinh doanh thứ khác. Riêng đường Nguyễn An Ninh vẫn im ắng.

Khung cảnh hiu quạnh, tối tăm của phố Mã Lai hiện tại, vào thời điểm trước đây từng sầm uất. Ảnh: Ý Linh.

“Con phố này bị ấn định cái tên ‘phố Mã Lai’, được coi là phố chuyên doanh dành cho người Malaysia, người Hồi giáo. Do đó, nhiều người chưa muốn chuyển đổi kinh doanh hoặc về đây kinh doanh. Đồng thời, các cửa hàng tại đây vẫn chưa chuyển hết đi, không ai chắc họ còn muốn trụ lại nữa không”, chị Linh giải thích.

Các hàng quán, cửa hàng trên phố đã cầm cự đến khoảng giữa năm 2020 sau đợt giãn cách lần thứ nhất ở TP.HCM. Sau đó, họ dần dần đóng cửa dù các chủ nhà đã giảm giá 50% tiền thuê mặt bằng. Tuy nhiên, theo chị Linh tìm hiểu, giá thuê đã giảm còn khoảng 50 triệu đồng, vẫn là con số lớn đối với chủ kinh doanh trong hoàn cảnh hiện tại.

Đường này có chưa đến 10 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, song chỉ còn 3 khách sạn lớn sáng đèn. Họ vẫn duy trì đón khách dù doanh thu bị ảnh hưởng nặng. Trong thời gian giãn cách, nguồn thu của các khách sạn này là từ dịch vụ nhận khách cách ly có thu phí với giá phải chăng, vì đối tượng đa phần là công nhân các xí nghiệp, tàu cảng.

Buổi tối, ngoài 3 khách sạn còn duy nhất hàng ốc vỉa hè của bà Vân là có sức sống nhất vì có người ra người vào, chộn rộn một góc ở giữa con phố vắng tanh. Quán ốc đã kinh doanh tại đây hơn 20 năm, mở cửa lại từ đầu tháng 11 sau đợt giãn cách kéo dài.

Quán ốc Vân vì bán món Việt nên từng “lạc lõng” giữa loạt hàng quán ẩm thực Halal. Qua nhiều đợt dịch, quán lại “cô đơn” vì là địa chỉ ăn uống duy nhất còn hoạt động trên phố vào buổi tối. Trước đây, quán chỉ đón khách gọn trên góc vỉa hè rộng chừng 5-6 m2 do khu phố đông người đi lại. Thời gian qua, quán được mở rộng khoảng vỉa hè, thêm bàn thêm ghế cho khách ngồi.

Khung cảnh thực khách tại quán ốc duy nhất ở khu phố Mã Lai vào tháng 4/2021 không khác bây giờ. Ảnh: Phạm Ngôn.

“Nếu có ai còn ý định ‘du lịch’ tại con phố này thời điểm hiện tại thì ghé ăn ốc buổi tối, còn lại nên đi buổi sáng thì có nhiều lựa chọn hơn. Lúc đó có hàng bún mọc đầu phố giao với Trương Định, hàng bún bò giữa phố và 3 quán cà phê nhỏ vỉa hè. Bạn có thể chạy bộ ở đây vì đường rất vắng. Cái tên phố Mã Lai giờ chẳng còn gì liên quan”, một nhân viên khách sạn nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật