Tiền Giang: Triển khai phần mềm ứng dụng nhận diện giấy đi đường qua mã QR-Code

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thời gian qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp đã thực hiện tốt việc thông tin, tuyên truyền cũng như tổ chức các biện pháp giãn cách phòng, chống dịch trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân; một số ngành, địa phương đã linh hoạt cấp giấy đi đường tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát tốt việc ra đường của người dân tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Tiền Giang: Triển khai phần mềm ứng dụng nhận diện giấy đi đường qua mã QR-Code
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, việc cấp giấy đi đường cho người dân ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn nhiều sơ hở, chưa thực hiện thống nhất, cấp không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền cấp, không kiểm soát được về thời gian, tuyến đường… đã dẫn đến người được cấp giấy lợi dụng để đi lại nhiều nơi, tiềm ẩn mất an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Song song đó, việc kiểm tra, cấp giấy còn hành chính, giấy tờ; việc kiểm soát tại chốt còn mất nhiều thời gian, gây ùn tắc giao thông cục bộ, dễ dẫn đến nguy cơ làm lây lan dịch bệnh rất cao.

Để siết chặt, thực hiện tốt hơn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, gắn với việc triển khai thực hiện có hiệu quả phần mềm ứng dụng nhận diện giấy đi đường qua mã QR-Code được tích hợp trên APP TiengiangS; ngày 20/9/2021, UBND tỉnh ban hành Công văn số 5391/UBND-NC về triển khai phần mềm ứng dụng nhận diện giấy đi đường qua mã QR-Code trên địa bàn tỉnh.

Theo Công văn, phần mềm ứng dụng nhận diện giấy đi đường qua mã QR-Code triển khai trên hệ thống Một cửa điện tử tỉnh Tiền Giang.

Việc cấp giấy đi đường cho các cá nhân trên phần mềm ứng dụng nhận diện qua mã QR-Code thực hiện theo nguyên tắc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân thuộc ngành nào, lĩnh vực nào, địa phương nào thì ngành đó, địa phương đó chịu trách nhiệm xét duyệt, cấp giấy đi đường đúng theo quy định và phải bám sát các quy định về phòng, chống dịch tại từng địa phương, lĩnh vực để kiểm soát việc ra đường cho phù hợp. Các cơ quan chức năng, địa phương có thẩm quyền cấp giấy đi đường được cấp tài khoản xét duyệt nên có thể giải quyết nhanh các thủ tục đăng ký, cấp giấy đi đường cho người dân; đồng thời, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc cấp giấy đi đường của cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý.

Phần mềm quy định rõ thẩm quyền, phạm vi của từng cấp, từng ngành trong quá trình xét duyệt, cấp giấy đi đường cho người dân theo 05 loại đối tượng, đó là cấp giấy đi đường cho người lao động tại các doanh nghiệp do Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông và UBND cấp huyện chịu trách nhiệm cấp theo thẩm quyền; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các Ban của Đảng thuộc Tỉnh ủy, sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đến trụ sở làm việc sẽ do thủ trưởng cơ quan cấp; lực lượng được huy động tham gia phòng, chống dịch sẽ do Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 các cấp chịu trách nhiệm cấp; UBND cấp xã xét duyệt, cấp giấy đi đường hoặc tiếp nhận đề xuất cấp giấy đi đường cho người dân có nhu cầu thật sự cần thiết để ra đường (mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu; tham gia sản suất, vận chuyển nông sản, thủy hải sản; khám, chữa bệnh, hỏa hoạn, tang lễ); người dân tại các vùng có nguy cơ và nguy cơ cao sẽ do UBND cấp xã lập danh sách, chia thời gian phát phiếu đi chợ.

Trường hợp người dân không có thiết bị di động thông minh, không thể tự đăng ký cấp giấy đi đường thì liên hệ với cơ quan chức năng, địa phương để đăng ký và cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm cấp giấy đi đường cấp cho người dân.

Thời gian triển khai chính thức từ ngày 21/9/2021.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật