Mỹ - Pháp rạn nứt sau thỏa thuận tàu ngầm với Australia

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thỏa thuận tàu ngầm giữa Mỹ, Anh và Australia được cho nhằm tạo liên minh đối phó Trung Quốc, nhưng nó khiến mối quan hệ giữa Washington và Paris xấu đi.
Mỹ - Pháp rạn nứt sau thỏa thuận tàu ngầm với Australia
Tổng thống Biden công bố thỏa thuận an ninh mới với Anh và Australia. Ảnh: Reuters.

Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố thỏa thuận giúp Australia phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đã gây thêm căng thẳng cho liên minh phương Tây, khiến Pháp tức giận. Giới phân tích cảnh báo rằng cách Mỹ phản ứng với châu Âu khi đối đầu Trung Quốc có thể vẽ lại bản đồ chiến lược toàn cầu, New York Times cho biết.

Khi công bố thỏa thuận hôm 15/9, Tổng thống Biden cho biết nó nhằm mục đích củng cố và cập nhật các liên minh khi ưu tiên chiến lược thay đổi. Nhưng khi lôi kéo một đồng minh ở Thái Bình Dương đến gần hơn để đối mặt với thách thức từ Trung Quốc, Tổng thống Biden dường như đã đi xa một đồng minh quan trọng ở châu Âu, làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng với Trung Quốc.

Mỹ đã chọn một liên minh khác?

Hôm 16/9, Pháp bày tỏ sự phẫn nộ trước thỏa thuận giữa Mỹ, Australia và Anh. Điều này đồng nghĩa với việc Pháp có thể mất trắng hợp đồng tàu ngầm thông thường trị giá tới 66 tỷ USD mà trước đó Australia đã thỏa thuận với họ.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi thỏa thuận giữa Mỹ và Australia là “cú đâm sau lưng”. Ông so sánh động thái của chính quyền Biden với sự thay đổi chính sách hấp tấp và đột ngột dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Pháp đã hủy buổi dạ tiệc dự kiến tổ chức vào 17/9 tại đại sứ quán Pháp ở Washington, nhân kỷ niệm 240 năm chiến thắng của Cách mạng Mỹ để thể hiện sự tức giận của họ.

“Nó giống như một trật tự địa chính trị mới mà không có các liên minh ràng buộc. Để đối đầu với Trung Quốc, Mỹ dường như đã chọn một liên minh khác tách biệt với Pháp”, bà Nicole Bacharan, nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu chính trị Paris, nói.

Bà dự đoán về một giai đoạn “rất khó khăn” trong tình bạn cũ giữa Washington và Paris.

Thỏa thuận mới đẩy mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vốn căng thẳng càng thêm phức tạp hơn. Chính quyền Biden dường như đang muốn nâng cao thế đối đầu với Trung Quốc, bằng cách cung cấp cho đồng minh ở Thái Bình Dương loại tàu ngầm khó phát hiện hơn so với tàu ngầm thông thường.

Giới phân tích ví von thỏa thuận tàu ngầm với Australia giống như việc Mỹ triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung Pershing II đến châu Âu những năm 1980 để ngăn chặn Liên Xô.

Pháp không còn là ưu tiên

Pháp và phần còn lại của châu Âu đang có ý định tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Điều này đã được khẳng định trong báo cáo chính sách mang tên “Chiến lược hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Báo cáo cho biết EU sẽ theo đuổi cam kết nhiều mặt với Trung Quốc, hợp tác về các vấn đề cùng quan tâm. Pháp cũng như EU không muốn bị cuốn vào cuộc đối đầu ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn Paris dẫn dắt EU theo hướng trung gian giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, thể hiện “quyền tự chủ chiến lược của châu Âu”. Điều này là cốt lõi trong tầm nhìn của Tổng thống Macron về một châu Âu độc lập bên cạnh Mỹ và Trung Quốc.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull thăm một tàu ngầm của Australia năm 2018. Ảnh: AFP.

New York Times nhận định quan điểm của Pháp khiến chính quyền Biden khó chịu, thậm chí nhiều hơn thế. Tổng thống Biden trở nên đặc biệt nhạ‌y cả‌m với câu hỏi về sự hy sinh của người Mỹ cho Pháp trong hai cuộc chiến tranh thế giới.

Tổng thống Marcon không đến thăm Nhà Trắng kể từ khi ông Biden nhậm chức. Người ta chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc Tổng thống Marcon sẽ đến thăm Mỹ. Điều đó cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp không được cải thiện dưới thời chính quyền mới.

Người Pháp cũng tỏ ra thất vọng khi Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken - người từng sống nhiều năm ở Paris - đã không chọn nơi đây là điểm đến cho chuyến công du đầu tiên của ông ở châu Âu.

Dù Tổng thống Biden vẫn gọi Pháp là đồng minh quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thỏa thuận tàu ngầm với Australia dường như đã tạo ra sự nhạo báng đối với Paris.

Tuần tới, Tổng thống Biden sẽ gặp các nhà lãnh đạo Bộ Tứ - một liên minh không chính thức gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia - ở Nhà Trắng.

Giới phân tích cho rằng thỏa thuận tàu ngầm với Australia, cuộc gặp với Bộ Tứ một lần nữa gợi ý cho Pháp rằng khi Mỹ tập trung vào đối phó với Trung Quốc, các đồng minh cũ ở châu Âu không còn là ưu tiên.

Đối với Anh, việc gia nhập liên minh với Mỹ và Australia là bằng chứng cho thấy Thủ tướng Boris Johnson quyết tâm gắn kết chặt chẽ với Mỹ thời hậu Brexit.

Mối quan hệ giữa Washington và London có chút rạn nứt trong vấn đề Afghanistan, nhưng thỏa thuận tàu ngầm với Australia cho thấy trong các lĩnh vực nhạ‌y cả‌m về an ninh, thông tin tình báo và công nghệ quân sự, Anh vẫn là đối tác ưu tiên hơn so với Pháp.

Ông Josep Borrell Fontelles, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, cho biết thỏa thuận tàu ngầm giữa Mỹ, Anh và Australia củng cố nhu cầu của khối về quyền tự chủ chiến lược nhiều hơn.

“Thỏa thuận Mỹ - Anh - Australia là bằng chứng rõ ràng hơn về việc EU cần phải tồn tại cho chính chúng ta, vì các khối khác tồn tại cho chính họ”, ông Fontelles nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật