Sau 5 năm cấp phép, mỏ đá sét ở Đô Lương chưa được mở

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mỏ đá sét để làm nguyên liệu sản xuất xi măng với diện tích 48 ha thu‌ộc đị‌a bàn 3 xã (Bài Sơn, Thịnh Sơn,Văn Sơn) huyện Đô Lương được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác từ năm 2017. Thế nhưng đến nay vẫn chưa mở cửa mỏ để khai thác.
Sau 5 năm cấp phép, mỏ đá sét ở Đô Lương chưa được mở
Ảnh minh họa

Đầy đủ hồ sơ khai thác mỏ

Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số: 1700/GP-BTNMT ngày 13/7/2017 cho Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam khai thác. Diện tích mỏ lộ thiên là 48,56ha, công suất khai thác tối đa 724.101 tấn/năm và thời gian khai thác 19 năm. Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định 1946/QD-BTNMT, ngày 29/8/2016 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ở khu vực cấp mỏ.

Khu vực trên cũng được thực hiện bàn giao mốc giới khu vực mỏ tại thực địa ngày 07/3/2019; được Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Nghệ An lập trích lục và đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính khu đất, trong đó có: 21,652ha là diện tích đất của 70 hộ dân thuộc xã Văn Sơn chưa xác định được ranh giới từng thửa đất của các hộ dân nên UBND tỉnh đã có Văn bản số 6338/UBND-NN ngày 09/9/2019 về việc đồng ý chủ trương cho phép Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam thuê đất (đợt 1) tại xã Bài Sơn và xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương với diện tích 26,93 ha để thực hiện dự án khai thác mỏ đá sét theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 4787/STNMT-QLĐĐ ngày 28/8/2019.

Giấy phép khai thác mỏ đá sét ở Đô Lương được Bộ Tài Nguyên và Môi trường cấp phép năm 2017. Ảnh chụp lại GP.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An và Sở Tài nguyên & Môi trường, Công ty đã chủ động phối hợp làm việc với các sở, ngành liên quan, UBND huyện Đô Lương, UBND các xã Bài Sơn, Thịnh Sơn để tiến hành thủ tục GPMB, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, giao đất, thuê đất. Ngày 08/6/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 1801/QĐ-UBND cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án mỏ sét (đợt1).

Đại diện lãnh đạo Công cổ phần Xi măng Sông Lam cho biết, đến tháng 8/2021, đơn vị đã đóng tiền cấp quyền khai thác mỏ hơn 3,1 tỷ đồng; đóng ký Quỹ Bảo vệ môi trường hơn 2,6 tỷ đồng và hơn 1,2 tỷ đồng để trồng rừng thay thế.

Quyết định 1946/QD-BTNMT, ngày 29/8/2016 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ở khu vực cấp mỏ đá sét ở Đô Lương. Ảnh chụp lại QĐ

Như vậy, về mặt thủ tục pháp lý, các nghĩa vụ tài chính; đánh giá tác động môi trường và các thủ tục liên quan đến thuê đất khai thác mỏ (đợt 1), Công ty đã hoàn thành trách nhiệm. Thế nhưng, việc mở mỏ khai thác vẫn chưa thực hiện được do chậm trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB).

Chậm giải phóng mặt bằng

Ngày 23/8/2021, Công cổ phần Xi măng Sông Lam có Văn bản số 453/CV-VIS.SL gửi UBND tỉnh Nghệ An đề nghị tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong tiến hành khai thác mỏ đá sét (đợt 1). Công văn trình bày, việc thuê đất để đưa dự án vào khai thác mỏ đá sét (đợt 1) chưa thực hiện được vì UBND huyện Đô Lương chưa chỉ đạo phê duyệt phương án GPMB. Mặc dù việc kiểm đếm, xác định nguồn gốc sử dụng đất đã thực hiện xong. Công ty đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND huyện Đô Lương đẩy nhanh tiến độ GPMB mỏ đá sét (đợt 1) nhưng UBND huyện chưa giải quyết.

Trước đó, ngày 17/6/2021, đại diện lãnh đạo Công ty đã làm việc với lãnh đạo UBND huyện Đô Lương đề nghị huyện tập trung chỉ đạo GPMB mỏ đá sét (đợt 1), nhưng huyện đề nghị tạm dừng việc GPMB để khảo sát lựa chọn địa điểm khác. Lý do huyện nêu ra là để đảm bảo giữ gìn cảnh quan môi trường.

Bản đồ mỏ đá sét ở Đô Lương (vùng đánh dấu giữa) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam. Ảnh chụp lại bản QH

Ngày 10/8/2021, UBND huyện Đô Lương có Công văn số 1468/UBND-TN gửi UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị cho Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam thuê đất để khai thác mỏ đá sét tại xã Bài Sơn, huyện Đô Lương với diện tích 07 ha trên địa bàn xã Bài Sơn với lý do không làm phá vỡ cảnh quan khu vực, tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Mặt khác, vị trí tiếp giáp với khu vực được cấp phép khai thác mỏ, UBND huyện Đô Lương đang đề xuất chấp thuận chủ trương dự án trồng cây gỗ dổi lấy hạt và giáo dục trải nghiệm.

Trước thực tế đó, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam phản ánh: Việc chậm phê duyệt hồ sơ GPMB mỏ đá sét (đợt 1) của UBND huyện Đô Lương và thay đổi quy hoạch của UBND huyện là không đúng thẩm quyền và trái với chủ trương của UBND tỉnh tại các văn bản nêu trên. Vì vậy, Công ty CP Xi măng Sông Lam kính đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo UBND huyện sớm hoàn thành công tác GPMB mỏ đá sét (đợt 1) để Công ty tiến hành làm thủ tục giao đất, thuê đất đúng quy định.

Đá sét là phụ gia chiếm tỷ lệ 20% trong sản xuất Clinker, xi măng. Trong ảnh là băng chuyền Clinker của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam. Ảnh: Nguyên Nguyên

Sau khi nhận được Văn bản 453/CV-VIS.SL ngày 23/8/2021 của Công cổ phần Xi măng Sông Lam, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 6606/UBND-NN ngày 09/9/2021 truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu giao UBND huyện Đô Lương xem xét đề nghị của Công cổ phần Xi măng Sông Lam tại công văn nêu trên để xử lý theo đúng quy định của Pháp Luật.

Đại diện Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam cho biết thêm: Đá sét là một phụ gia quan trọng, chiếm tỷ lệ 20% trong sản xuất Clinker, xi măng. Vì vậy, việc chậm GPMB khu vực mỏ đá sét làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam. Công ty rất mong muốn các cấp ngành ở Nghệ An khẩn trương xử lý những vướng mắc để đơn vị có thể tiến hành khai mỏ đá sét ở Đô Lương, phục vụ sản xuất xi măng trên địa bàn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật