Khắp - nét văn hoá cổ truyền của người Thái Yên Bái

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cứ mỗi độ tết đến, xuân về hay những lễ hội… ta lại được chìm đắm trong những trong hát Khắp của người Thái ở Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
Khắp - nét văn hoá cổ truyền của người Thái Yên Bái
Khắp trong đêm hội Hạn Khuống ở Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái. (Ảnh Thanh Chi)

Nếu như người Mông được biết đến với điệu múa Khèn yểu điệu, người Tày với câu hát Then chữ tình thì Khắp Thái lại là một loại hình âm nhạc đặc trưng của dân tộc Thái. Khắp là một hình thức sinh hoạt tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, cưới, hỏi của người Thái.

Dân ca Thái - Khắp Thái là những bài hát, những làn điệu trữ tình được lưu giữ bằng cách truyền miệng hoặc ghi chép từ đời này sang đời khác. Khắp Thái là lối hát dùng thanh nhạc làm hình thức để biểu đạt nội dung thơ, một bài thơ, một truyện thơ đồng thời cũng là một bài hát. Khắp Thái có rất nhiều loại, tùy nội dung, đề tài mà nó có những tên gọi khác nhau.

Hiện nay có khá nhiều làn điệu khắp khác nhau, nhưng có thể chia thành hai loại chính là khắp bắc (hát sáng tác mới) và khắp lời truyền thống.

Thực chất hình thức khắp này là mượn chủ đề tình yêu để thi tài năng đối đáp giữa các cặp hát đối, khắp truyền thống còn có các điệu như: “Tản ỉn tản mặc” nghĩa là lời tỏ tình; “Mỡi lảu, vảy lảu” nghĩa là mời rượu, từ chối rượu; “Xống khươi, tỏn pạư” nghĩa là tiễn rể, đón dâu...

Khắp Thái thường kết hợp cùng với “pí khui” (sáo trúc) và “pí pe” (khèn bè), giọng hát trầm bổng cùng với điệu “pí” ngân nga tạo nên một thứ âm thanh vô cùng lạ, độc đáo và đi vào lòng người. Khắp thái thường được bắt đầu bằng “yêu lú nặm ne”, “lá ới, noong ơi” có nghĩa là “thương lắm em ơi”.

Các bé trai, bé gái dân tộc Thái được tiếp xúc với các nhạc cụ dân tộc mình từ rất sớm. (Ảnh: Thanh Chi)

Khắp Thái từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của người Thái, nó thể hiện ở khắp nơi như trên nương, ngoài ruộng

Thanh niên người Thái trước đây ai cũng phải biết khắp, nếu không sẽ chẳng thể quen được ai và cũng chẳng thể lấy được con gái của bản mình làm vợ.

Ngày nay cũng vậy, thanh niên trai gái trong làng lớn lên đều phải biết các điệu Khắp của bản, mường mình và cũng như bao người Thái gắn bó máu thịt với mảnh đất này, lớn lên bằng những điệu khắp từ lời ca tiếng hát của bà, của mẹ, của những lễ hội tưng bừng cả một vùng trắng hoa ban.

Anh Đinh Công Thiết ở Bản Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Ngày chưa lập gia đình, mỗi khi bản làng có hội, anh thường cùng đám trai làng mang theo khèn, pí đi xem hội, gặp gỡ làm quen với các cô gái.

Khi ấy, người con trai vừa thổi pí vừa hát Khắp: "Anh đi qua bao nhiêu con suối, quả đồi, nhiều ngày đường mới gặp được em. Nếu em thương anh thì anh sẽ đưa bố mẹ đến hỏi cưới em!”. Người con gái đối đáp lại: “Bố mẹ em rất khó tính, đòi hỏi anh phải có nhiều lễ vật, liệu anh có thực hiện được không?...”.

Các lớp học do các nghệ nhân dân gian dậy hát Then, đàn bè, đàn tình luôn được các em học sinh yêu thích. (Ảnh: Thanh Chi)

Nghệ nhân dân gian Điêu Thị Siêng ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho biết: “Hát Khắp thì thường dịp Tết và các ngày hội là nhiều nhất. Thời gian ấy có dịp nghỉ ngơi, con trai con gái được đi chơi có dịp gặp nhau nhiều, tán chuyện với nhau. Tình yêu thì chỉ có bằng lời hát, thế nên mới có hát Khắp truyền cho con cháu đến bây giờ”.

Hát Khắp hiện đang được gìn giữ và phát huy ở Yên Bái. Về Mường Lò, về với mảnh đất giàu bản sắc văn hoá để say trong men nồng hương rượu với những điệu khắp, điệu xoè bất tận để cảm nhận sự cùng sự mộc mạc thân tình của người dân bản địa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật