Để sự chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam đến cùng “quả ngọt”

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đang là lựa chọn buộc phải đặt ra với ngay cả doanh nghiệp của đất nước hơn tỉ dân. Khi đón làn sóng này, Việt Nam không nên chỉ nhìn thấy quả ngọt.
Để sự chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam đến cùng “quả ngọt”
Một công nhân kiểm tra dây chuyền sản xuất bao bì tại nhà máy châu Á đầu tiên của Lego ở Gia Hưng (Trung Quốc).

Thực tế là cứ sau mỗi năm năm số lượng các vụ kiện phòng vệ thương mại nhằm vào Việt Nam tăng gấp đôi đã được thừa nhận vào cuối năm 2022. Nếu bỏ qua khía cạnh lạc quan về việc sức cạnh tranh và ảnh hưởng của hàng Việt tại các thị trường đang ngày càng lớn mạnh, câu hỏi cần giải đáp sẽ là, điều gì đang diễn ra với một số nhóm sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam?

Ở đây, có cả những trường hợp sai phạm cố ý, khi doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm, linh kiện từ Trung Quốc, lắp ráp tại Việt Nam và gắn mác “made in Vietnam”. Tuy nhiên, trong tổng thể chung của bức tranh xuất khẩu, dù sao, đó vẫn là những trường hợp tương đối cá biệt. Vấn đề căn cốt hơn là tính chất gia công vẫn tương đối nặng nề của nền kinh tế Việt Nam, gót chân Achilles khiến hàng hóa Việt Nam rất dễ vướng vào những tranh chấp phòng vệ thương mại.

Tính toán của Tiến sĩ Bùi Trinh dựa trên số liệu xuất nhập khẩu sáu tháng đầu năm 2022 đưa ra một cái nhìn chi tiết hơn(1). Theo đó, 100 đô la Mỹ xuất khẩu của Việt Nam lan tỏa đến giá trị sản xuất của Việt Nam 74 đô la, đến giá trị tăng thêm của Việt Nam khoảng 72 đô la; và lan tỏa đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của Trung Quốc tương ứng là 23 đô la và 25 đô la. Tác giả kết luận, xuất khẩu của Việt Nam cơ bản là sản phẩm của công nghiệp chế biến, chế tạo mà ngành này cơ bản là gia công, nguyên liệu đầu vào cơ bản từ Trung Quốc.

Có thể thấy, vị trí địa lý bên cạnh công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới vừa mang lại cho nền kinh tế lợi thế tiếp cận nguồn hàng giá rẻ, số lượng lớn, đa dạng về chủng loại… vừa là trở lực cho quyết tâm hoàn thiện chuỗi cung ứng tại Việt Nam của cả doanh nghiệp nội địa lẫn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Điều này buộc phải thay đổi, nếu không vì tầm nhìn xa về một nền sản xuất tự chủ, mang lại giá trị gia tăng lớn cho cả các chủ thể trong nước thì cũng để tránh những rủi ro phòng vệ thương mại nhiều khả năng sẽ càng gia tăng khi cuộc đối đầu về kinh tế, thương mại giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đặc biệt, trong làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, bên cạnh những doanh nghiệp đa quốc gia khổng lồ như Samsung, Apple…, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang cân nhắc hướng đi này. Trong một bài báo mới đây trên The South China Morning Post, giám đốc một doanh nghiệp tại Trung Quốc đã bày tỏ sự chua chát khi nhiều khách hàng quan trọng tại thị trường Mỹ “không muốn mua bất cứ thứ gì sản xuất tại Trung Quốc”(2).

Tạm thời địa danh Việt Nam có thể được chấp thuận nhưng về lâu dài, nếu hai chữ Việt Nam chỉ là nằm trên bao bì sản phẩm, nguy cơ đối với các doanh nghiệp nêu trên một lần nữa hiện hữu. Nên nhớ rằng, gần một phần tư trong số vụ việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là từ Mỹ(3).

Chắc chắn, đây cũng là một yếu tố khiến các doanh nghiệp Trung Quốc đang nhắm tới nền sản xuất Việt Nam cân nhắc. Thậm chí, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp cùng sự đan xen lẫn lộn giữa quyền lợi kinh tế với quyền lợi quốc gia nói chung, nỗi lo không chỉ của riêng doanh nghiệp Trung Quốc.

Sự đồng hành giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp bản xứ phải thể hiện để hóa giải thách thức này. Phía đầu tư nước ngoài có tiềm lực mạnh, nếu thiện chí hỗ trợ sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện chuỗi cung ứng, tạo nên một chu trình sản xuất khép kín, thuận tiện điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường của nguyên vật liệu, đáp ứng yêu cầu ngày càng hay thay đổi của các thị trường nhập khẩu. Tất nhiên, doanh nghiệp Việt muốn tham gia vào cuộc chuyển đổi này phải mạnh hơn và đây là lúc cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý.

Ấn Độ không có luật chuyên biệt nhưng có thông báo về chính sách đầu tư nước ngoài theo từng năm. Các quy định về lĩnh vực được phép đầu tư, phạm vi đầu tư và các điều kiện khác, trong đó có ưu đãi được điều chính sát với yêu cầu thực tế(4). Ở thời điểm hiện tại, cách tiếp cận này xem ra tương đối phù hợp với Việt Nam.

Chúng ta cũng đang có phương tiện để điều chỉnh “chiếc thảm đỏ” cào bằng trong thu hút FDI từ trước tới nay là thuế tối thiểu toàn cầu. Các phương án bù đắp cho doanh nghiệp FDI khi áp dụng chính sách này phải trở thành cây gậy nhạc trưởng để nguồn lực đầu tư đi tới những trọng điểm đầu tư đúng thời điểm. Muốn cả nền kinh tế Việt Nam được an nhiên hưởng thụ quả ngọt từ dòng vốn FDI, vẫn còn rất nhiều việc cần làm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật