Cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc ca ngợi sự khéo léo của ngoại giao Ấn Độ, hé lộ “bến đỗ” mới của doanh nghiệp xứ kim chi

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ấn Độ đang nổi lên như một tâm điểm của ngoại giao toàn cầu khi nước này nhộn nhịp đón khách quốc tế tới dự các hội nghị quan trọng.
Cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc ca ngợi sự khéo léo của ngoại giao Ấn Độ, hé lộ “bến đỗ” mới của doanh nghiệp xứ kim chi
Cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc Yoon Young Kwan cho rằng Ấn Độ là một đối tác hoàn hảo để ngoại giao Hàn Quốc khởi sắc. (Nguồn: ANI News)

Trong một bài viết gần đây trên tờ Korea YoongAng Daily, cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc, Giáo sư danh dự tại Đại học quốc gia Seoul Yoon Young Kwan đã đánh giá về chiến lược ngoại giao khéo léo của Ấn Độ cũng như tầm quan trọng của mối quan hệ Seoul-New Delhi. Báo Thế giới & Việt Nam lược dịch bài phân tích.

"Vận may" để ngoại giao tỏa sáng

Ấn Độ đang nổi lên như một tâm điểm của ngoại giao toàn cầu. Từ đầu tháng 3 này, các nguyên thủ quốc gia từ Ai Cập, Đức, Italy, Australia và Nhật Bản đã có chuyến thăm đến thủ đô New Delhi.

Với vai trò Chủ tịch G20 trong năm 2023, Ấn Độ đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Tài chính vào tháng 2 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao vào đầu tháng 3. Quốc gia Nam Á này cũng đang giữ chức Chủ tịch của tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SOC).

Cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc Yoon Young Kwan. (Nguồn: Getty)

Trước đó, hồi đầu tháng 1 năm nay, Ấn Độ đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo của 120 quốc gia đang phát triển đại diện cho Nam bán cầu.

Không những vậy, New Delhi còn đang thắt chặt mạng lưới ngoại giao nhiều bên như đối thoại ba bên Ấn Độ-Australia-Indonesia, hợp tác Ấn Độ-Israel-Mỹ-Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Trong khi đó, Ấn Độ giữ thái độ trung lập đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Vì sao Ấn Độ lại có tầm ảnh hưởng ngoại giao ngày càng lớn như vậy? Có thể kể đến một số lý do như dân số đông với 1,417 tỷ dân, vượt qua Trung Quốc; tiềm năng to lớn với quỹ đất dồi dào; sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trên trường quốc tế.

Những năm qua, hầu hết các quốc gia đều phải trải qua suy thoái kinh tế nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, Ấn Độ lại là một ngoại lệ.

Năm ngoái, trong khi GDP của Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng lần lượt là 2% và 3% thì con số này ở Ấn Độ là 6,5%. Một báo cáo của ngân hàng Morgan Stanley gần đây dự báo rằng, quốc gia Nam Á này sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức trong vòng 4 năm tới để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, đồng thời Ấn Độ sẽ vươn lên trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 3 thế giới vào năm 2030.

Một báo cáo mới đây từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, tăng trưởng chóng mặt của Ấn Độ là nhờ vào các phương pháp của chính phủ và kỹ thuật số hóa thành công, từ đó thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng. New Delhi đã thực hiện thành công cải cách cấu trúc nền kinh tế kể từ 2016.

Thông qua kỹ thuật số hóa trong lĩnh vực tài chính, chính phủ đã cấp cho mỗi người dân một thẻ căn cước công dân điện tử, đồng thời vận hành hệ thống chia sẻ dữ liệu tài chính rộng khắp sau cuộc cải tổ ngành ngân hàng.

Nhờ có sự đổi mới thương mại số, nền kinh tế ngày càng trở nên minh bạch và thân thiện với doanh nghiệp hơn, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển và phục hồi nền kinh tế.

Chính phủ cũng tăng khoản đầu tư hạ tầng từ 2,8% GDP vào năm 2013 lên 3,5% trong năm 2022. Về đối ngoại, Ấn Độ đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó, sự chuyển dịch đang diễn ra trên trường quốc tế cũng giúp New Delhi trỗi dậy. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp của Mỹ và phương Tây đang lần lượt rời khỏi nền kinh tế số 2 thế giới để tìm đến những vùng đất “thân thiện” hơn. Ấn Độ, với quỹ đất rộng lớn và thị trường sôi động đã lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư Mỹ và phương Tây.

Đối tác hoàn hảo cho doanh nghiệp Hàn Quốc

Trong bối cảnh kinh tế và an ninh là các ưu tiên song hành, nền kinh tế Hàn Quốc đang phụ thuộc lớn vào Trung Quốc. Thương mại song phương Hàn-Trung lớn hơn tổng kim ngạch của Hàn Quốc với Mỹ và Nhật Bản cộng lại.

Trong khi đó, quan hệ kinh tế Hàn-Trung cũng đang bị tác động không nhỏ bởi cạnh tranh Mỹ-Trung. Các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc đang phải đối mặt nhiều rủi ro khi đầu tư tại Trung Quốc.

Để đảm bảo cho tương lai, Hàn Quốc buộc phải mở rộng quan hệ kinh tế với các quốc gia khác. Hiện nay, các tập đoàn lớn của nước này như Hyundai Motor, Kia Motors, Samsung Electronics, LG Electronics, SK, Hyosung và Posco đang tích cực đầu tư vào Ấn Độ.

Hai nước có rất nhiều lĩnh vực có thể thúc đẩy hợp tác.

Về ngoại giao, cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea In từng cam kết sẽ nâng cấp mối quan hệ Hàn-Ấn lên cùng mức độ với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, tuy nhiên, đến nay, nỗ lực này vẫn chưa được hiện thực hóa.

Nói về chính sách đối ngoại của Hàn Quốc, có thể liên hệ tới sách lược ngoại giao của Philippines, vốn đang thu hút quan tâm của dư luận. Hiện nay, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ngày càng củng cố mối quan hệ với Mỹ. Không những vậy, quốc gia Đông Nam Á này còn thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Nhật Bản, Australia, Anh để tăng tương tác về mọi mặt, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nền kinh tế Hàn Quốc lớn hơn Philippines. Vì vậy, việc mở rộng mạng lưới ngoại giao với tư duy chiến lược phù hợp quy mô nền kinh tế sẽ tốt hơn cho quốc gia Đông Bắc Á này để chuẩn bị cho một tương lai tươi sáng.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol có vẻ vẫn bị ràng buộc bởi mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ nên dường như chưa quyết đoán trong các định hướng thiết lập mạng lưới ngoại giao khăng khít với nhiều quốc gia khác nhằm gia tăng vị thế ngoại giao của chính mình.

Và để ngoại giao Hàn Quốc khởi sắc, Ấn Độ là một đối tác hoàn hảo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật