Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nghiên cứu sửa luật để giải quyết nhiều vướng mắc lớn

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bộ Tài chính vừa tổ chức hội thảo về ’Định hướng xây dựng luật thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp’ (Luật số 69).
Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nghiên cứu sửa luật để giải quyết nhiều vướng mắc lớn
Làm rõ thẩm quyền của doanh nghiệp để sử dụng vốn nhà nước hiệu quả nhất.

 Đại diện nhiều cơ quan, tập đoàn, tổng công ty đánh giá rất cao các nội dung, định hướng, nguyên tắc xây dựng luật thay thế Luật số 69 mà Bộ Tài chính đề xuất; đồng thời cho rằng những nội dung này khi được thực thi sẽ tạo một bước ngoặt lớn về chính sách, giải quyết nhiều vướng mắc lâu nay trong hoạt động của doanh nghiệp.

Vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ xác định là tài sản doanh nghiệp

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, thực hiện ý kiến kết luận của Bộ Chính trị về mô hình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN); các yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH); chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) đang được xem xét, Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ luật trình Chính phủ xem xét thông qua để báo cáo UBTVQH, Quốc hội theo hướng giữ nguyên các nội dung đã được Chính phủ thông qua trình UBTVQH. Đồng thời, bổ sung 3 nội dung trong 4 nhóm chính sách đã được thông qua.

Cụ thể, ở nhóm chính sách 2 bổ sung nội dung: “Việc tính giá trị quyền sử dụng đất trong xác định giá trị DN khi thực hiện cổ phần hóa và khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, liên doanh, liên kết thực hiện theo quy định của Luật Đất đai (sửa đổi)”. Ở nhóm chính sách 3, bổ sung nội dung: “Các DN nhà nước thực hiện việc đấu thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu (sửa đổi)”.

Nhóm chính sách 4 bổ sung nội dung: “Việc thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN thông qua các cơ quan đại diện và người đại diện sở hữu vốn (trong đó Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN là cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn tại DN)”.

Trình bày đề xuất về một số nội dung về chủ trương, định hướng xây dựng luật sửa đổi, thay thế Luật số 69, ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, một trong các nguyên tắc, quan điểm xây dựng luật là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh phân công, phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và DN. Tách bạch, phân định rõ chức năng đại diện chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước tại DN với chức năng quản lý nhà nước, quản trị đối với DN.

Đồng thời, quán triệt đầy đủ các nội dung mang tính nguyên tắc: Quy định rõ vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào DN được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân DN; nguồn lực nhà nước đầu tư tại các DN phải được quản lý tập trung và thống nhất để đáp ứng yêu cầu về đầu tư vốn vào DN linh hoạt, kịp thời; vốn nhà nước đầu tư ở đâu phải được quản lý, giám sát; Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp hành chính vào hoạt động và quản trị sản xuất kinh doanh tại DN…

Về tên gọi của luật, dự kiến điều chỉnh là: “Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN”. Tên mới này không còn cụm từ “sử dụng”, điều này thể hiện được nội dung mới là luật sẽ không điều chỉnh việc sử dụng vốn nhà nước tại DN.

Làm rõ trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu

Tại hội thảo, đại diện nhiều cơ quan, tập đoàn, tổng công ty đánh giá rất cao các nội dung mới, định hướng, nguyên tắc xây dựng luật thay thế Luật số 69 mà Bộ Tài chính đề xuất. Theo đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, việc xây dựng luật với định hướng này là một bước ngoặt lớn về chính sách, là sự thay đổi tư duy trong cách quản lý. Tuy nhiên, việc thay đổi như vậy cũng đòi hỏi nhiều chính sách Pháp Luật khác phải đồng bộ theo.

Bày tỏ sự phấn khởi với các định hướng sửa đổi lần này, đại diện Tập đoàn VNPT cho rằng, với các nội dung mới về xác định vốn nhà nước tại DN, quản trị DN… sẽ tạo sự thay đổi cơ bản, tạo sự chủ động, linh hoạt hơn cho các DNNN. Với VNPT, một tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ, việc sắp xếp, tái cơ cấu, đổi mới quy trình hoạt động sẽ được thuận lợi, nhanh chóng hơn.

Dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2024

Với dự kiến đề xuất một số chủ trương, định hướng sửa luật như trên, Bộ Tài chính đánh giá cần có nhiều thời gian hoàn thiện và cụ thể hóa các nội dung chính sách. Theo đó, tiến độ dự kiến là trước tháng 6/2023 tổ chức hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi các học giả, nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, cộng đồng các doanh nghiệp…

Tháng 7/2023, Bộ Tài chính trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng luật thay thế Luật số 69. Trong tháng 8, Chính phủ trình UBTVQH, Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024. Trình Quốc hội cho ý kiến lần 1 tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và dự kiến luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Theo ông Bùi Tuấn Minh, đây là dự án luật rất khó, với tiến độ này, phải rất quyết tâm, quyết liệt mới làm được.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu tán thành cao là việc quy định rõ vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào DN được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân của DN. Theo ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines, nguyên tắc này thực thi sẽ giải quyết được rất nhiều vướng mắc lâu nay trong hoạt động kinh doanh của DN, như xác định quyền sở hữu tài sản, quản lý các công ty con…

Ông Võ Hồng Lĩnh - thành viên Hội đồng thành viên, Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Kế toán Tập đoàn Điện lực (EVN) cũng chia sẻ, EVN lâu nay rất vất vả trong việc quản lý, giải trình về vốn của mình tại các công ty con. Với nguyên tắc này, EVN sẽ được chủ động hơn trong các quyết định.

Thống nhất cao với quan điểm, nguyên tắc tiếp cận dự thảo luật của Bộ Tài chính, ông Lưu Văn Tuyển - Phó Tổng giám đốc Petrolimex, nhấn mạnh quan điểm giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với từng loại hình DN và bám sát nguyên tắc tổng thể không đánh giá từng dự án. “Rất cần cụ thể hóa quy định này. Khi cơ hội kinh doanh đến phải nắm bắt, có thể giai đoạn đầu lỗ, nhưng về sau lãi thì tổng thể vẫn đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn nhà nước” - ông Lưu Văn Tuyển nói.

Tại hội thảo, nhiều đại diện DN cũng nêu bất cập trong quan hệ giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu và các DN. Theo ông Võ Hồng Lĩnh, EVN thường đầu tư các dự án lớn, các dự án đều phải xin ý kiến nhiều cấp. Là cơ quan đại diện chủ sở hữu, nhiều dự án Ủy ban Quản lý vốn nhà nước không thể nắm rõ, khó đánh giá nên chậm trễ nhiều. Do đó, ông đề nghị trong luật tới đây cần làm rõ thẩm quyền của DN, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu tới đâu để DN dễ thực hiện, việc sử dụng vốn được hiệu quả nhất.

Bổ sung vốn điều lệ cho một số doanh nghiệp nhà nước then chốt quốc gia

Trong các chủ trương, định hướng được Bộ Tài chính đề xuất về xây dựng luật thay thế Luật số 69, nội dung về vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (DN) có nhiều điểm mới quan trọng.

Theo đó, xác định rõ vốn nhà nước đầu tư tại DN là vốn nhà nước hiện có và bổ sung trong quá trình hoạt động tại DN; nguồn vốn nhà nước hoặc nguồn khác đầu tư hình thành tài sản được Nhà nước giao DN tiếp nhận; các nguồn lực của Nhà nước tích lũy để lại đầu tư tại DN… nhằm xác định rõ, phản ánh đầy đủ nguồn lực của Nhà nước tại DN và duy trì, củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn, có hiệu quả kinh tế cao.

Việc đầu tư vốn tập trung giữ vững những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư và đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, địa phương và bổ sung vốn điều lệ cho một số DN nhà nước then chốt quốc gia.

Việc đầu tư vốn đảm bảo nguyên tắc công bằng, thị trường, công khai, minh bạch, bảo toàn, hiệu quả, “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”. Đồng thời, xác định vốn nhà nước đầu tư tại DN không cân đối thu chi vào trong ngân sách nhà nước (Nhà nước với vai trò nhà đầu tư thực hiện quyền chủ sở hữu vốn như các nhà đầu tư khác).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật