Nhập tịch, quân bài của thể thao Campuchia tại SEA Games 32

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Để hướng đến một kỳ SEA Games bùng nổ trên cương vị nước chủ nhà, Campuchia đã tiến hành công tác chuẩn bị kỳ công nhưng âm thầm. Một trong số đó là việc nhập tịch những vận động viên từ nước ngoài, bất kể họ có gốc gác từ Campuchia hay không.
Nhập tịch, quân bài của thể thao Campuchia tại SEA Games 32
Ảnh minh họa

Cơn sốt Jessa Khan

Tại ASIAD 2018, đoàn thể thao Campuchia mang một gương mặt trẻ măng đến tham dự Á vận hội. Đó là Jessa Khan, cô gái mang trong mình 2 dòng máu Mỹ và Campuchia. Vốn sinh ra và lớn lên ở xứ cờ hoa, Jessa Khan quyết định thi đấu cho đội tuyển thể thao xứ sở Angkor, vì cha cô là người Mỹ gốc Campuchia.

Vật và Boxing là những môn được Campuchia nhập tịch VĐV thi đấu.

Chẳng ai nghĩ một cô gái mới 17 tuổi có thể thi đấu tốt tại đấu trường ASIAD. Nhưng cuối cùng, những gì Jessa Khan làm khi ấy đã vượt quá kỳ vọng của mọi người. Mới lần đầu tham dự một giải đấu lớn, Jessa Khan đã hạ những võ sĩ sừng sỏ nhất đến từ Iran, Trung Quốc và Philippines để giành HCV môn Jujitsu, hạng cân 49kg nữ.

Chức vô địch của Jessa Khan có thể ví như tấm huy chương bằng kim cương, bởi đây mới là lần thứ hai Campuchia giành HCV ở một kỳ Á vận hội. Đẳng cấp của cô gái sinh năm 2001 giúp Campuchia trở thành một thế lực đáng gờm trong Jujitsu, môn võ có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới vào thời điểm hiện tại.

Từ một cô gái vô danh, Jessa Khan lập tức trở thành cái tên được nhắc đến nhiều nhất tại Campuchia. Cô tiếp tục gây chú ý khi nhận chứng chỉ đai đen, cấp độ cao nhất của môn Jujitsu khi mới 19 tuổi. Lời mời Jessa Khan thi đấu những giải võ thuật chuyên nghiệp đến tới tấp, và cô đều đánh bại tất cả đối thủ ngáng đường mình.

Campuchia đã làm cách nào để thuyết phục một cao thủ Jujitsu như Jessa Khan hồi hương thi đấu? Chẳng ai rõ chi tiết thỏa thuận giữa đôi bên, nhưng có thể khẳng định Jessa Khan đã có tất cả khi chọn khoác áo Campuchia. Cô được trao đặc quyền khi tập luyện, sinh hoạt tại Mỹ, và chỉ hồi hương ngay trước giải đấu.

Một năm sau tấm HCV ASIAD, Jessa Khan tiếp tục tranh tài ở SEA Games và thể hiện đẳng cấp vượt trội. Cô không chỉ vượt qua mọi đối thủ, mà còn đánh bại họ với cách biệt điểm số rất lớn. Một số chuyên gia còn khẳng định nếu Jessa Khan thi đấu với những võ sĩ trên cân mình, cô vẫn sẽ dễ dàng thắng knock-out họ.

Người Campuchia yêu mến Jessa Khan tới mức sẵn sàng bỏ qua mọi sai lầm của cô. Ngay trong ngày đầu tham dự SEA Games 31, cô bị loại do vượt quá cân nặng quy định. Bất chấp việc Jessa Khan phạm quy rõ ràng (và rất nghiêm trọng), người Campuchia chất vấn tại sao nước chủ nhà không tạo điều kiện cho cô thi đấu "dù chỉ mắc lỗi nhỏ".

Về phần Jessa Khan, cô không phải buồn quá lâu. Chưa đầy 1 tháng sau sự cố ở SEA Games 31, Jessa Khan chính thức ký hợp đồng với ONE Championship, giải đấu võ thuật chuyên nghiệp hàng đầu thế giới. Mỗi lần thượng đài tại ONE, cô có thể kiếm được tiền tỷ nhờ sức hút của một võ sĩ hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

"Cam kiều" và nhập tịch

Thành công của Jessa Khan đã thu hút một loạt các vận động viên gốc Campuchia nuôi ý định hồi hương. Mới đây, quốc gia xứ sở Angkor đã quyết định thành lập đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia để chuẩn bị cho SEA Games 32. Mục tiêu chất lượng đội tuyển của họ là sử dụng những cầu thủ gốc Campuchia đang thi đấu tại Mỹ và châu Âu.

Việc những vận động viên như Jessa Khan, hay một số tuyển thủ bóng chuyền chọn thi đấu cho Campuchia không phải điều quá mới lạ. Suy cho cùng, họ có nguồn gốc từ quốc gia này và được phép đầu quân về quê hương xứ sở. Nhưng Campuchia không muốn dừng lại ở đó, bởi số lượng "Cam kiều" hồi hương vẫn chưa đủ cho mục tiêu lớn.

Trong bối cảnh SEA Games 32 đang cận kề, Campuchia muốn có thành công nhanh chóng ở một số môn thi đấu mà họ vốn không có thế mạnh. Vì thế, quốc gia này đã tiến hành nhập tịch cho vận động viên nước ngoài. Đây là những người hoàn toàn không có gốc gác Campuchia. Họ chỉ đổi quốc tịch để thi đấu như những lính đánh thuê.

Mở màn cho trào lưu VĐV nước ngoài nhập tịch Campuchia là những võ sĩ vật. Tại SEA Games 31, quốc gia này mang 2 đô vật "da trắng, mắt xanh" đến dự giải là Mo Sari và Sou Bali. Họ vốn là thành viên đội tuyển Iran, một trong những cường quốc vật tầm cỡ thế giới. Bộ đôi này đã mang về 1 HCV, 1 HCB cho vật Campuchia ở SEA Games vừa qua.

Với lợi thế sân nhà tại SEA Games 32, Mo Sari và Sou Bali được kỳ vọng sẽ tiếp tục giúp Campuchia có thêm huy chương vàng ngay trên sân nhà. Sau thành công ở môn Vật, Campuchia tiếp tục tiến hành nhập tịch một số vận động viên của môn Boxing. Nơi họ "tuyển quân" là Uzbeskistan, cường quốc quyền Anh của châu Á.

Tính tới tháng 8/2022, Anvar Nasredinov và Abdulla Rajapov vẫn là những võ sĩ thuộc thành phần đội tuyển Boxing Uzbekistan. Nhưng bằng một cách nào đó, đến tháng 11 cùng năm, họ đã khoác áo đội tuyển Campuchia thi đấu những giải Boxing quốc tế. Rajapov thậm chí còn giành được ngôi Á quân giải vô địch U22 châu Á vừa qua.

Những gương mặt như Mo Sari, Sou Bali, Anvar Nasredinov hay Abdulla Rajapov có thể giúp Campuchia có một kỳ SEA Games thành công nhất từ trước đến nay. Đây vốn là những VĐV đẳng cấp châu lục, thế nên sẽ không khó để họ khẳng định vị thế ở đấu trường Đông Nam Á. Nhưng Campuchia sẽ làm gì với những VĐV này sau SEA Games, đó mới là câu trả lời quyết định mức độ phát triển thể thao của một quốc gia.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật