Hậu Giang xử lý thế nào với 62 dự án chậm tiến độ?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tỉnh Hậu Giang có 345 dự án có chủ trương thực hiện. Đến nay, có 160 dự án đang triển khai, trong đó có 62 dự án chậm tiến độ.
Hậu Giang xử lý thế nào với 62 dự án chậm tiến độ?
Quang cảnh kỳ họp HĐND tỉnh Hậu Giang.

62 dự án chậm tiến độ

Sáng 9/12, Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiếp tục với phần chất vấn và trả lời chất vấn. Cử tri tỉnh Hậu Giang đã chất vấn Sở KH&ĐT nhiều vấn đề liên quan đến việc quy hoạch treo, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án, tỷ lệ giải ngân còn chưa đạt yêu cầu…

Trả lời câu hỏi của đại biểu, ông Nguyễn Đăng Hải, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Hậu Giang cho rằng, việc quy hoạch là để định hướng thực hiện việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và có một khoảng thời gian nhất định để thực hiện.

Từ quy hoạch của tỉnh, các nhà đầu tư có nhu cầu sẽ đến đầu tư. Khi đó, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết để thu hồi đất. Nghị quyết này sẽ có giá trị trong vòng 3 năm.

“Nếu trong 3 năm này, chúng ta không thực hiện thì xem như dự án đó không được triển khai. Chúng ta nói rằng đó là dự án treo? Tôi nghĩ chỗ này chưa chuẩn và chưa chính xác mà phải hình dung dự án này chậm tiến độ.

Dự án chậm tiến độ có xảy ra trên địa bàn tỉnh của chúng ta. Cụ thể, qua thống kê, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh có 345 dự án có chủ trương thì có 185 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Còn lại 160 dự án đang triển khai thực hiện, trong đó có 62 dự án chậm tiến độ”, Giám đốc Sở KH&ĐT Hậu Giang nhìn nhận.

Về nguyên nhân, ông Hải cho rằng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021, địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên nhiều dự án không được triển khai.

Kế đó, một số dự án, việc bố trí nguồn lực và vốn chưa đảm bảo đủ để triển khai GPMB dẫn đến bị chậm tiến độ.

Xử lý ra sao?

Nói về những giải pháp trong thời gian tới, ông Hải cho biết, trường hợp xác định lỗi ở phía chủ đầu tư, địa phương sẽ căn cứ vào các quy định Pháp Luật để xem xét việc có để đơn vị này tiếp tục thực hiện dự án hay chấm dứt.

“Về phía Sở, chúng tôi cũng cố gắng tham mưu, bố trí kinh cho dự án, đặc biệt là kinh phí cho thực hiện GPMB đảm bảo một lần là đủ kinh phí để thực hiện”, ông Hải nói.

Liên quan đến công tác giải ngân, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Hậu Giang cho biết, cập nhật đến ngày 30/11, tỷ lệ giải ngân của Hậu Giang đạt khoảng 79%. Con số này khá tích cực, nhưng theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì vẫn chưa đảm bảo theo yêu cầu.

Để đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo chỉ đạo, tại nghị trường, ông Hải đề nghị người đứng đầu các cơ quan tăng cường hơn trách nhiệm trong việc rà soát, tháo gỡ các vướng mắc trong từng dự án. Đặc biệt là các dự án có GPMB, thu hồi đất.

Để địa phương không còn xảy ra tình trạng dự án treo, chậm tiến độ, ông Trần Văn Huyến, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang đề nghị Sở KH&ĐT phối hợp Sở Xây dựng, GTVT, tham mưu UBND ban hành các tiêu chí đối với các chủ đầu tư liên quan đến lĩnh vực xây dựng và giao thông.

“Chính sách Trung ương có, chính sách của Hậu Giang riêng có, tôi đề nghị thủ trưởng các đơn vị thông tin rộng rãi cho các đối tượng thụ hưởng, đồng thời công khai minh bạch về điều kiện thủ tục quy trình và hướng dẫn cho người dân, các doanh nghiệp thụ hưởng chính sách”, ông Huyến yêu cầu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật