“Phút giây đáng nhớ” - cuốn sách ảnh lưu giữ những tư liệu vô giá

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Phút giây đáng nhớ” là tập hợp các ảnh tư liệu quý về chiến trường Quảng Trị do cựu chiến binh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Vỹ chụp lại.
“Phút giây đáng nhớ” - cuốn sách ảnh lưu giữ những tư liệu vô giá
TS Nguyễn Minh Vỹ (giữa) tặng bức ảnh liệt sĩ Phạm Văn Cao do ông chụp tại chiến trường Quảng Trị đến thân nhân liệt sĩ.

Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Quảng Trị (1972 - 2022) và 78 năm ngày truyền thống của QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022), CLB “Trái tim Người lính” phối hợp với Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, CLB “Mãi mãi tuổi 20”, Nhà xuất bản Công an Nhân dân và Ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam tổ chức giới thiệu cuốn sách ảnh tư liệu chiến trường Quảng Trị mang tên Phút giây đáng nhớ; đồng thời, ra mắt Ban Vận động thành lập CLB “Trái tim người lính Miền Tây”.

Cuốn sách ảnh Phút giây đáng nhớ là tác phẩm của CCB.TS Nguyễn Minh Vỹ. Bản in lần đầu vào năm 2015 với 168 trang, là những hình ảnh ý nghĩa về chiến trường Quảng Trị đã được ông ghi lại khi trực tiếp tham gia chiến đấu tại đây.

Năm 2022, cuốn sách đã được tái bản lại và được sửa chữa một số chi tiết đồng thời bổ sung thêm tư liệu ảnh, thành 204 trang. Đặc biệt, bản in năm 2022 có thêm 3 chùm ảnh tư liệu về chiến trường Quảng Trị vô giá của Anh hùng LLVTND, viện sĩ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng); Anh hùng LLVTND Thiếu tướng Trương Hữu Quốc (Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an) và CCB Xe tăng, Hoạ sĩ Lê Trí Dũng…

CCB.TS Nguyễn Minh Vỹ sinh ngày 7/12/1945 tại Hải Dương. Năm 1965, khi đang còn là sinh viên năm thứ 2, Khoa Vô tuyến điện của Đại học Kỹ thuật thông tin (phân hiệu của Đại học Bách khoa Hà Nội), ông vinh dự là một trong số ít người được tuyển chọn về Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ của “CP16” (mật danh của một đơn vị đặc biệt thuộc Bưu điện Trung ương). Ông nhận được lệnh điều động đi công tác phục vụ chiến đấu tại chiến trường miền Nam cuối năm 1966, với nhiệm vụ làm điện báo viên vô tuyến điện. Ông còn từng là Uỷ viên Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Trị và Bí thư Đoàn khối cơ quan Tỉnh uỷ trong chiến tranh…

Gần 10 năm tại Quảng Trị - một trong những chiến trường gian khổ và ác liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam, điện báo viên vô tuyến điện Nguyễn Minh Vỹ đã làm nhiệm vụ của một người lính trận. Ông đã trực tiếp chuyển và tiếp nhận hàng ngàn bức điện mật có nội dung quan trọng, nhiều lần giáp mặt với sự sống và cái chết. Không chỉ có vậy, bằng niềm đam mê chụp ảnh, ông đã ghi lại hàng ngàn bức ảnh đen trắng, phản ánh hoạt động của ngành Giao bưu và Thông tin, cùng cuộc chiến đấu của quân và dân Quảng Trị.

Từ năm 1971, khi Phân xã TTXVN tại Quảng trị được thành lập, Nguyễn Minh Vỹ đã trở thành một trong những phóng viên đầu tiên thường trú tại đây. Ông bám sát bộ đội trong các trận đánh. Đó là những khoảnh khắc vô giá của lịch sử và vô tình Nguyễn Minh Vỹ đã đóng vai trò như một phóng viên chiến trường, một người “ghi nhật ký” bằng ảnh và một nhân chứng lịch sử. Rất nhiều bức ảnh trong số đó đã được TTXVN công bố trước năm 1975.

“Phút giây đáng nhớ” là tập hợp các ảnh tư liệu quý về chiến trường Quảng Trị do cựu chiến binh, PGS, TS Nguyễn Minh Vỹ chụp. 

Sau khi chiến tranh kết thúc, trở về với cuộc sống đời thường, Nguyễn Minh Vỹ đã tiếp tục theo học đại học. Lấy được bằng kỹ sư loại giỏi, ông may mắn được cử đi du học và đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Điện tử và Tự động hoá tại Liên Xô (cũ). Ông đã cộng tác với Tiến sĩ Ninh Văn Miển và Tiến sĩ Hoàng Văn Nghiên sáng lập và điều hành Công ty Điện tử Hà Nội (Hanel) nổi tiếng một thời. Tiếp đó, ông sáng lập Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam, trực tiếp làm Giám đốc và hoạt động cho đến ngày nay.

Nhân dịp giới thiệu ấn bản mới Phút giây đáng nhớ của TS Nguyễn Minh Vỹ, Ban vận động cũng đã thành lập CLB Trái tim người lính Miền Tây và tặng sách cho một số Thư viện trường đại học tại TP.HCM, để các sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận với tác phẩm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật