Bằng đại học có xứng đáng với giá trị của nó? Nhiều người Mỹ than trời vì chi phí đắt đỏ, tốn thời gian

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người Mỹ ở cả hai đầu gậy chính trị Cộng hòa và Dân chủ đều đồng ý với nhau: Sở hữu một bằng đại học có thể giúp mọi người tìm được việc tốt và cải thiện xã hội, nhưng việc chi phí đại học lại quá đắt đỏ và tốn thời gian, đặc biệt khi đã đi làm trưởng thành. Nhiều người cho rằng, nền kinh tế Mỹ đã bị thao túng để ủng hộ người giàu và người có ảnh hưởng, theo một khảo sát mới của báo Mỹ USA Today và Public Agenda.
Bằng đại học có xứng đáng với giá trị của nó? Nhiều người Mỹ than trời vì chi phí đắt đỏ, tốn thời gian
Ảnh minh họa

Theo đó, hơn phân nửa người Mỹ đồng ý rằng lợi ích của bằng đại học lớn hơn nhiều chi phí. Những người trẻ hơn, những người chiếm phần lớn dân số học đại học, lại mơ hồ về giá trị của giáo dục đại học hay giáo dục bậc cao (higher education, một thuật ngữ khác để chỉ giáo dục đại học trong tiếng Anh).

Những người được USA Today phỏng vấn cho rằng, giáo dục đại học đắt đỏ và có tính độc quyền. Những người khác đặt vấn đề làm cách nào mà giáo dục đại học giúp họ tìm việc một cách hiệu quả, kể cả khi hài lòng với bằng cấp của mình. 

Trong hai năm qua, số lượng ghi danh học đại học đã giảm hơn một triệu người, một phần vì dịch Covid-19 và gần đây là do lực lượng lao động đang cần người. Danh mục nợ sinh viên 1,7 nghìn tỉ USD của nước Mỹ tiếp tục phình to.

Sau đây là một số kết quả của khảo sát:

- 3 trong 4 người Mỹ nói rằng, việc các nhà tuyển dụng yêu cầu bằng đại học cho những công việc không cần chúng là một vấn đề.

- 66% người Mỹ nói các trường đại học đang mắc kẹt trong quá khứ thay vì đáp ứng nhu cầu hiện nay của sinh viên.

- Khoảng 83% đồng ý rằng, chi phí học gây khó khăn cho các sinh viên thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận đại học.

- 3 trong 5 người nói lấy bằng đại học “quá tốn thời gian và đắt đỏ với người đang đi làm”.

Tỉ lệ ghi danh giảm sút và kết quả khảo sát báo hiệu sự mất kết nối giữa các dữ liệu cho thấy, người học đại học kiếm được nhiều tiền hơn người không vào đại học, theo giáo sư đại học Georgetown Anthony Carnevale.

Ông nói, không phải mọi bằng đại học đều biến thành thu nhập gia tăng, nhưng chúng dẫn tới tiền lương cao hơn trong suốt cuộc đời của người tốt nghiệp đại học. Những người có một bằng đại học kiếm được trung bình 2,8 triệu USD trong sự nghiệp của mình, cao hơn 75% mức có thể kiếm nếu chỉ có bằng tốt nghiệp THPT, theo khảo sát của đại học Georgetown.

Trong 35 triệu việc làm mới ước tính năm 2031, 40% dành cho những người có bằng đại học hoặc cao hơn.

Theo Pew Research Center, các sinh viên có ba mẹ có bằng đại học kiếm được nhiều hơn và giàu hơn các sinh viên là cử nhân đại học thế hệ đầu tiên trong nhà. 38% người Mỹ trên 25 tuổi có một bằng đại học, tăng 7,5% so với năm 2011.

Không, bạn không cần có bằng đại học để có một công việc tốt, nhưng cơ hội tốt nhất cho bạn để có một công việc tốt là một tấm bằng đại học”, Carnevale chia sẻ. “Những gì bạn thấy ở đây là một thất bại trong việc thông báo cho công chúng”.

Giáo sư Anthony Carnevale có bằng tiến sĩ kinh tế học tài chính công, là giáo sư nghiên cứu đại học Georgetown, giám đốc trung tâm Lực lượng lao động và Giáo dục trực thuộc trường này.

Người Mỹ muốn có công việc tốt mà không cần bằng đại học

Trong khảo sát của USA Today và Public Agenda, gần 86% người Mỹ ở cả hai phe đều đồng ý “một nền giáo dục đại học sẽ giúp những người trưởng thành đi làm thăng tiến cao hơn trong sự nghiệp”. Khoảng 70% nói rằng, một nền giáo dục đại học sẽ giúp mọi người được khai sáng nhiều hơn.

Người Mỹ không muốn bị bắt đến trường. 9 trong 10 người trả lời nói “Mọi người có thể có một cuộc sống thoải mái mà không cần phải có một bằng đại học”.

Dường như người Mỹ hoài nghi về giá trị của giáo dục bậc cao. Khoảng phân nửa nói rằng, nền dân chủ của nước Mỹ sẽ “mạnh hơn nếu có nhiều người Mỹ được giáo dục đại học hơn”, và phân nửa nói rằng giáo dục bậc cao sẽ củng cố nền kinh tế. 64% đảng viên Dân chủ được hỏi cho rằng, các cử nhân đại học sẽ thúc đẩy kinh tế, trong khi con số này ở đảng viên Cộng hòa là 40%.

Hỗ trợ cho giáo dục đại học trong những năm gần đây đã giảm sút. Một khảo sát Public Agenda năm 2016 cho thấy, 46% người trả lời nói rằng, đại học là một “khoản đầu tư nghi vấn vì nợ sinh viên cao và cơ hội việc làm hạn chế”. Theo một khảo sát khác năm 2019 của Gallup, phân nửa người trả lời cho rằng giáo dục đại học “rất quan trọng”. Tỉ lệ những người nói điều này năm 2019 thấp hơn tỉ lệ tương tự năm 2013 (70%).

Mặc dù người Mỹ không chắc chắn việc đồng đôla của Mỹ có đi vào giáo dục đại học hay không, nói chung họ ủng hộ ý tưởng mọi người có một bằng đại học. Trong khảo sát của USA Today kể trên, 3 trong 4 người Mỹ cho rằng “Sẽ có những tác động tích cực đến khả năng của mọi người trong việc có được cuộc sống tốt có thể hỗ trợ gia đình” nếu ban của họ có nhiều người có bằng đại học hơn. Số người nói rằng lực lượng lao động được giáo dục đại học có thể cải thiện năng lực thu hút nhà tuyển dụng của ban họ cũng tương đương. Và 7 trong 10 người Mỹ đồng ý là, bằng đại học có thể giúp “sinh viên trở thành những công dân nhiệt tình hơn, nắm bắt tốt hơn”.

Grant Jenkins, 29 tuổi, sống ở Texas, đã học trường Kenyon, một học viện giáo dục khai phóng tư nhân ở Ohio. Jenkins chia sẻ, cô hứng thú với việc lấy được bằng đại học ngành toán, nhưng cô hiếm khi sử dụng kiến thức đã học trong công việc hàng ngày là một nhà khoa học dữ liệu. “Có khả năng là tôi sẽ gán cho thành công sau khi học đại học của tôi cho thực tế là tôi xuất thân trong một gia đình thu nhập tương đối cao và ba mẹ tôi có nhiều môi quan hệ hơn là nhờ vào chính tấm bằng đại học của tôi”.

Pedro Valdez-Rivera, 30 tuổi, tốt nghiệp trường Brooklyn College năm 2013. Anh là‌ּm tìn‌ּh nguyện cho các tổ chức từ thiện và là một họa sĩ vẽ tranh tường bán thời gian ở thành phố New York. Theo anh, lợi ích lớn nhất của giáo dục đại học là nó mang lại cho anh sự tự tin xã hội. “Từ tiểu học đến trung học, tôi là một người cô đơn và hướng nội. Ngôi trường đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Nếu không đi học thì tôi đã có những vấn đề không thể kiểm soát vì cứ ở mãi trong thế giới của một người hướng nội”, Pedro chia sẻ.

Tỉ lệ ghi danh sụt giảm sau Covid-19

Sự hoài nghi về đại học tương ứng với sự giảm sút số lượng ghi danh học đại học (số lượng đăng ký học sau khi đã được chấp nhận vào trường). Theo thống kê của nhóm theo dõi tuyển sinh đại học National Student Clearinghouse, các cơ sở giáo dục bậc cao đã mất gần 1,3 triệu sinh viên từ khi dịch bệnh bắt đầu vào tháng 3 năm 2020. Doug Shapiro-giám đốc điều hành trung tâm nghiên cứu của tổ chức này, cho biết, sự giảm sút này ban đầu có thể là do bị ảnh hưởng từ việc ứng dụng hàng loạt các khóa học trực tuyến sau những ngày đầu tiên của dịch bệnh. Dù việc có sẵn vaccine gia tăng đã buộc hầu hết các trường đại học quay trở lại với các lớp học trực tiếp ở giảng đường, tỉ lệ ghi danh vẫn chưa được khôi phục.

Khảo sát của USA Today cho thấy, hầu hết người Mỹ đánh giá cao các trường cao đẳng cộng đồng cho giá trị mà họ mang lại. Khoảng 60% cho rằng các cơ sở này “giúp sinh viên có một cơ hội giáo dục đúng lúc và hiệu quả về chi phí”. Các trường cao đẳng cộng đồng là những trường bị thiệt hại nặng nhất do sự giảm sút tỉ lệ ghi danh. Từ khi bắt đầu dịch bệnh, các trường cao đẳng cộng đồng đã mất 827.000 sinh viên, tỉ lệ ghi danh học kỳ mùa xuân 2022 giảm gần 8% so với cùng kỳ năm 2021.

Có điểm sáng nào cho các trường đại học này?

Có thêm nhiều sinh viên ghi danh vào các chương trình lao động có tay nghề chuyên môn (skilled trade programs) như xây dựng, vận tải, di chuyển vật liệu. Theo khảo sát USA Today, phần lớn người Mỹ ở cả hai tư tưởng chính trị đều hoài nghi về giá trị của “các trường đại học nhà nước có tính sàng lọc và sáng giá nhất” của họ.

Trong 5 người Mỹ thì chỉ có 1 người nói rằng các cơ sở này giúp sinh viên có 1 tấm bằng đúng hạn và hiệu quả về mặt chi phí, và trong 4 người thì có 1 người thấy đó là “những khoản đầu tư đáng giá cho sinh viên và gia đình họ”.

So với các trường khác thì các trường đại học tư và trường công 4 năm hàng đầu vượt trội hơn, thu hút sinh viên vì danh tiếng gắn với việc học một cơ sở có sàng lọc “tính cạnh tranh vào những suất học hàng đầu đó chưa bao giờ cao hơn thế”, lời giám đốc Shapiro.

Người Mỹ nói rằng đại học có thể quá tốn kém

Phần lớn người Mỹ nói rằng chi phí học đại học đã ngăn cản nhiều người có một tấm bằng. Theo khảo sát USA Today, 83% dân Mỹ đồng ý rằng, “chi phí học đại học gây khó khăn cho các sinh viên thu nhập thấp có một cơ hội giáo dục đại học”.

Ông Michael Lamm, 64 tuổi, chủ sở hữu một công ty an ninh ở Washington. Khi tham gia một khảo sát của USA Today, ông nói các chi phí một suất học đại học đang ngăn cản những người không đủ tiền học. Theo ông, nhiều người thông minh từ những gia đình thu nhập thấp “có thể đóng góp rất nhiều cho thế giới và có thể thay đổi nó”, nếu họ có đủ tiền học đại học.

Lamm đã phục vụ trong Hải quân Mỹ hai thập kỷ, sự phục vụ của ông trao cho GI Bill, một phúc lợi liên bang chi trả phần lớn phí tổn học đại học cho các cựu binh. Ông cho biết đã cố tham gia các khóa học nhưng nhận ra mình không thể đứng ngoài lực lượng lao động lâu như thế.

Lamm sẽ xem xét việc quay lại hoàn thành tấm bằng của mình nếu việc học đại học là miễn phí, chứ ông không trả tiền học. Ông khuyến khích hai con học trung học cân nhắc các trường quân đội, nghĩa là tham gia nghĩa vụ quân sự nhưng đồng thời cũng là cơ hội giáo dục không mắc nợ.

Mặc dù nhiều người Mỹ nói rằng, giá cả đã ngăn cản một số người có cơ hội giáo dục đại học, họ không đồng ý về mức độ ảnh hưởng của chủ‌ng tộ‌c đến tiếp cận đại học. Khoảng 70% đảng viên Dân chủ tham gia khảo sát đồng ý là “sự phân biệt chủ‌ng tộ‌c làm cho người d‌a mà‌u khó có cơ hội học đại học”. Phân nửa đảng viên độc lập và 25% đảng viên Cộng hòa đồng ý điều này. Những người trả lời là người da đen, châu Mỹ Latin và người Mỹ gốc Á có khả năng đồng ý nhiều hơn người da trắng về việc chủ‌ng tộ‌c có thể hạn chế sự tiếp cận giáo dục bậc cao của một ai đó.

Người Mỹ ủng hộ xóa nợ sinh viên

Hai phe Dân chủ và Cộng hòa bị chia rẽ trong câu hỏi về việc xóa nợ trên diện rộng. Khoảng 80% người Mỹ nói rằng nợ vay sinh viên là một vấn đề, 3 trong 5 người ủng hộ “xóa một phần đáng kể nợ sinh viên chính phủ cho các cử nhân đại học có nợ quá mức”. 4 trong 5 đảng viên Dân chủ ủng hộ xóa nợ sinh viên, tỉ lệ này ở đảng viên Cộng hòa là 40%.

Biểu tình đòi xóa nợ sinh viên bên ngoài trụ sở Bộ giáo dục Mỹ, ảnh chụp tháng 4 năm nay (Ảnh: Yahoo)

Các giải pháp phổ biến để hạ thấp chi phí đại học và thanh toán nợ sinh viên bao gồm “các khoản nợ sinh viên không lãi suất” của chính phủ, được khoảng 75% người trả lời ủng hộ. Khoảng 65% ủng hộ việc biến các trường cao đẳng cộng đồng thành miễn phí. Hơn 60% ủng hộ việc tăng thuế đánh vào những người Mỹ kiếm được hơn 500.000 USD mỗi năm để giúp các cơ sở cộng đồng dễ tiếp cận tài chính hơn.

Các kế hoạch cao đẳng cộng đồng miễn phí của tổng thống Mỹ Joe Biden đã bị ngưng lại, nhưng ông nói rằng ông đang xem xét một số hình thức xóa nợ quy mô lớn. Tuy vậy, chính quyền chưa công bố ai đủ tiêu chuẩn được xóa nợ hay số nợ được xóa là bao nhiêu. Trong chiến dịch tranh cử, Biden đề xuất xóa 10.000 USD nợ sinh viên cho mỗi người vay.

Thanh toán cho các khoản vay sinh viên liên bang đã bị đóng băng kể từ tháng 3 năm 2020. Theo kế hoạch, sự tạm hoãn này sẽ kéo dài tới tháng 8 và có khả năng được mở rộng tới lúc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.

Một người tham gia khảo sát là Jenkins ủng hộ việc xóa nợ, dù cô không vay nợ để học đại học “Tôi ủng hộ bất kỳ điều gì giúp ích cho những người đi làm. Nhưng 10.000 USD sẽ không thay đổi mọi việc. Mọi người sẽ tích lũy nợ một lần nữa nếu chúng ta không làm cho đại học trở thành miễn phí”.

Nợ sinh viên ở Mỹ

Theo Wikipedia, nợ sinh viên đóng vai trò quan trọng trong giáo dục đại học ở Mỹ. Theo số liệu của College Board, chi phí học đại học trường công trung bình mỗi năm là 20.090 USD với sinh viên sống tại bang, 34.220 USD với sinh viên sống ở bang khác. Để có đủ khả năng học đại học, nhiều sinh viên Mỹ phụ thuộc vào nợ vay. Trong gần 20 triệu sinh viên Mỹ vào đại học hàng năm, gần 12 triệu vay nợ để chi trả tiền học mỗi năm. Năm 2021, số lượng người Mỹ còn nợ sinh viên là 45 triệu người với tổng số tiền lên đến 1,4 ngàn tỉ USD, trung bình mỗi người nợ 30.000 USD.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật