Dòng kênh “chết” Bắc Hưng Hải bao giờ được cứu?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kênh đào Bắc Hưng Hải - con kênh nổi tiếng có chiều dài 232km chảy qua 4 tỉnh thành bị ô nhiễm nặng từ hàng chục năm qua nhưng đến nay vẫn bài toán chưa có lời giải.
Dòng kênh “chết” Bắc Hưng Hải bao giờ được cứu?
Kênh Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm nặng nề hàng chục năm qua

Cầu Bây là con sông đào cung cấp nước tưới cho một số phường, xã thuộc quận Long Biên và huyện Gia Lâm đang bị ô nhiễm nặng. Từ đây, sông Bây tiếp tục chảy qua kênh Kim Sơn vào hệ thống kênh Bắc Hưng Hải, dòng kênh này chạy dài 232 km, qua Hưng Yên, Bắc Ninh, kết thúc ở điểm nối ra sông Thái Bình, tỉnh Hải Dương.

Dòng kênh phục vụ hơn 100.000 ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho 3 triệu người dân... thế nhưng hàng chục năm qua kênh Bắc Hưng Hải lại trở thành nỗi ám ảnh cho người dân từng địa phương.

Ghi nhận tại đoạn sông Cầu Bây đoạn đi qua địa bàn quận Long Biên dài hơn 2km, nước sông đen kịt, bao quanh bởi rác, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Ông Vũ Xuân Tiến (người dân tại tổ 1, phường Sài Đồng) cho biết, hầu như ngày nào nhà ông cũng phải đóng kín cửa để tránh mùi. "Đặc biệt là những ngày nắng nóng mùi hôi thối bốc lên rất kinh khủng", ông Tiến nói.

Đoạn tiếp theo sông Cầu Bây chảy qua huyện Gia Lâm,nhiều người dân tại thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn cho biết, dù là nguồn nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp nhưng cả chục năm nay người dân không thể sử dụng. Nước sông quá ô nhiễm không thể canh tác, nếu da người tiếp xúc thì bị mẩn ngứa, bệnh ngoài da...

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận định: “Việc hệ thống thủy lợi ô nhiễm ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Bởi môi trường là tiêu chí quan trọng trong tiêu chí đánh giá các xã về đích nông thôn mới”.

Sớm thống kê các nguồn xả thải để xử lý

Để xử lý triệt để môi trường cho sông Cầu Bây, đại diện UBND quận Long Biên cho biết, quận đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải sinh hoạt An Lạc (phường Cự Khối) và Phúc Đồng trên địa bàn. Đồng thời trong năm 2022, quận tiếp tục rà soát các họng xả nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn để đánh giá mức độ ô nhiễm...

“Trong quý I/2022, quận đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và lực lượng Công an quận kiểm tra việc xả thải đối với một số cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn”, đại diện UBND quận Long Biên thông tin.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, thực hiện Luật Thủy lợi, Sở NN&PTNT không tiếp nhận hồ sơ đối với các tổ chức, cá nhân xả nước thải vào công trình thủy lợi liên tỉnh (hệ thống Bắc Hưng Hải) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã có văn bản gửi Sở TN-MT đề nghị phối hợp, cung cấp thông tin về cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, kể cả công trình thủy lợi liên tỉnh Bắc Hưng Hải, từ đó có biện pháp quản lý, kiểm tra phù hợp.

Ông Trịnh Thế Trường, Chủ tịch Cty TNHH MTV Bắc Hưng Hải thừa nhận việc ô nhiễm trầm trọng tại kênh Bắc Hưng Hải và cho rằng: Các tổ chức, cá nhân xả nước thải chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật vào hệ thống công trình thủy lợi diễn ra phổ biến dẫn đến ô nhiễm nước trong hệ thống ngày càng trầm trọng, nhất là vào mùa cạn. Tuy nhiên, không thể cấm các địa phương xả nước chưa đủ tiêu chuẩn qua kênh cấp 1.

Tại tọa đàm trực tuyến về Thực trạng ô nhiễm và giải pháp “hồi sinh” Bắc Hưng Hải được tổ chức mới đây, ông Hoàng Văn Vy, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, để kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải "hồi sinh" thì cần triển khai 4 giải pháp trước mắt và lâu dài.

Đầu tiên, phải thống kê các nguồn thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải, từ đó cơ quan chức năng sẽ có kế hoạch kiểm soát nguồn thải. "Khi có thông tin, Bộ Tài nguyên và môi trường có thể có văn bản đôn đốc UBND các tỉnh tăng cường xử lý, như ở quận Long Biên, huyện Gia Lâm… từ đó sẽ giải quyết được các nguyên nhân chính", ông Vy nói.

Thứ hai cần phải điều tra, khảo sát, đánh giá khả năng chịu tải. Bởi nếu muốn quản lý nguồn nước mặt xả thải thì phải xem hệ thống còn khả năng chịu tải hay không mới cấp phép xả thải. Ngoài ra, phải ban hành kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt của hệ thống Bắc Hưng Hải.

Thứ ba, trên cơ sở thống kê, Bộ Tài nguyên và môi trường phải phối hợp với UBND các tỉnh. Trong đó, UBND các tỉnh chịu kinh phí. Nếu có vướng mắc về kinh phí đầu tư hệ thống thì bộ và UBND các tỉnh có liên quan sẽ cùng có kiến nghị với Thủ tướng các giải pháp để hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý.

Thứ tư, trách nhiệm của đơn vị vận hành hệ thống Bắc Hưng Hải phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, nạo vét, khơi thông dòng chảy.

Liên quan đến nội dung này, theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), để phòng ngừa xả thải, đơn vị này thực hiện tổng kiểm tra, xử lý hơn 11 tỷ đồng liên quan đến các vi phạm nêu trên. Chỉ tính riêng trong cuối tháng 5/2022, đơn vị đã phối hợp với Tổng cục Môi trường thanh kiểm tra gần 20 đơn vị xả nước thải ra công trình thủy lợi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật