Bình Định-bứt phá để nâng tầm

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong những năm gần đây, Bình Định có sự bứt phá toàn diện, tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững. Đó là môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch. Chính sách cởi mở, thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng về cộng đồng; hệ thống hạ tầng kinh tế-kỹ thuật, chất lượng nguồn nhân lực... ngày càng hoàn thiện. Các lĩnh vực then chốt như công nghiệp, du lịch, dịch vụ phát triển; từng bước hình thành đô thị thông minh, thung lũng sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao…
Bình Định-bứt phá để nâng tầm
Thành phố Quy Nhơn (Bình Định) ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại.

Đó là nền tảng, động lực giúp Bình Định bước vào đà tăng tốc, thực hiện các chương trình hành động mang tính đột phá, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu và khát vọng nâng tầm - gia nhập nhóm các địa phương phát triển dẫn đầu khu vực miền trung.

Ý chí tự lực cánh sinh

Cách đây gần 20 năm, khi Khu kinh tế Nhơn Hội chưa được biết đến, lãnh đạo tỉnh Bình Định lúc bấy giờ đã có sáng kiến: Xây dựng tuyến cầu đường sang Nhơn Hội phải cần một nguồn vốn rất lớn, trong khi tỉnh còn nghèo, Trung ương thì chưa chi viện, hay là cứ tự lực cánh sinh, tập trung toàn lực xây dựng hoàn thành hạ tầng khu kinh tế, rồi vượt đầm Thị Nại bằng phà tự hành? Cũng chính từ tư duy sáng tạo, từ quyết tâm cao như vậy mà Bình Định được cả nước biết đến và trân trọng như là một điển hình của cách làm mạnh dạn, năng động, để rồi có được một nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn; một tuyến đường Quy Nhơn-Sông Cầu phá thế độc đạo của thành phố Quy Nhơn, sau này Trung ương thấy hiệu quả cho nên quyết định giải ngân và đặt tên thành quốc lộ 1D. Cũng bằng cách làm ấy, cầu Thị Nại, cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam lúc bấy giờ đã hoàn thành từ nguồn vốn ngân sách của Bình Định và huy động từ các doanh nghiệp địa phương. Từ đó, mở ra không gian phát triển mới rộng hơn 12 nghìn héc-ta của Khu kinh tế Nhơn Hội. Đó cũng chính là tiền đề quan trọng để năm 2006, Bình Định được bổ sung vào vùng kinh tế trọng điểm miền trung, tạo cú huých để nhiều dự án lớn về công nghiệp, dịch vụ, du lịch hình thành. 

Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết: Chính từ ý chí tự lực cánh sinh, sự hỗ trợ hiệu quả của Trung ương, đồng thời tập trung huy động nhiều nguồn lực, trong những năm qua, Bình Định đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Một điểm nghẽn mà các nhà đầu tư trước khi vào Bình Định lâu nay e ngại đó là đường sá cách trở, giao thông khó khăn, các điểm kết nối không thuận tiện. Vì thế, tỉnh quyết tâm tháo gỡ khó khăn về kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông. Trong nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh đã đầu tư 40 tuyến đường để mở ra một không gian phát triển thông thoáng. Hiện nay, tỉnh đang tập trung quyết liệt để hoàn thiện tuyến đường ven biển. Từ mỗi ngày chỉ có vài chuyến bay, đến nay từ sân bay Quy Nhơn có ngày có hơn 40 chuyến bay đến nhiều địa phương trong nước của tất cả các hãng hàng không của Việt Nam. Hiện nay, Bình Định cũng đang phối hợp Bộ Giao thông vận tải tập trung chuẩn bị hoàn thành tuyến đường cao tốc đi qua tỉnh… “Với khát vọng nâng tầm không ngừng, chúng tôi định hướng trong 5 năm tới, Bình Định sẽ vươn lên trong nhóm dẫn đầu của khu vực miền trung”, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cho biết.

Thực hiện tốt 5 trụ cột

Trong công tác xúc tiến đầu tư, Bình Định linh hoạt áp dụng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tỉnh mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực mạnh để đầu tư các dự án then chốt vào 5 trụ cột chính: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistics, kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa. Tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp và yêu cầu Tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư của tỉnh vừa có nhiệm vụ xúc tiến các dự án mới, đồng thời hỗ trợ các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhanh chóng triển khai và đi vào hoạt động. Nhờ vậy, thời gian qua, rất nhiều dự án đầu tư vào tỉnh Bình Định trên cả ba lĩnh vực: Công nghiệp, du lịch và dịch vụ, tạo được cú huých cho sự phát triển của tỉnh. Thí dụ như Tập đoàn Becamex Bình Định đầu tư hơn 2.300ha đã tạo một bước chuyển mới cho việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư. 

Tỉnh cũng tập trung tạo ra những sản phẩm mới cho lĩnh vực du lịch gắn với đầu tư kinh tế hạ tầng. Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn, được nhiều tạp chí nổi tiếng thế giới đánh giá cao, xem như là một phát hiện mới, một điểm sáng trong phát triển du lịch. Cùng với sự phát triển ở các đô thị, Bình Định còn chú trọng việc phát triển nông thôn, nhất là xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tỉnh đã có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tình trạng người dân ly hương xa xứ làm ăn giảm. Nhiều người quay trở về sống và làm việc trên mảnh đất quê hương, có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.

Theo đồng chí Hồ Quốc Dũng: Nghị quyết Đại hội lần thứ 20 của Đảng bộ tỉnh đã xác định phải phát triển cho được 5 trụ cột.

Thứ nhất là phát triển công nghiệp. Hiện nay, tỉnh đã định hình được 7 khu công nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp dịch vụ Becamex VSIP Bình Định-một nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam, hiện nay đang tập trung đầu tư hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư lớn vào Bình Định. Mới đây, Bình Định cũng đã khởi công nhà máy của Tập đoàn KURZ (CHLB Đức).

Thứ hai là tiếp tục tạo đột phá trong phát triển du lịch, dịch vụ. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục quy hoạch nhiều không gian và sản phẩm du lịch mới để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để đưa Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn hơn.

Thứ ba, tập trung phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Vừa qua, tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp trên lĩnh vực này; trong đó có những doanh nghiệp hàng đầu như Công ty TNHH Gà giống Minh Dư, Công ty nuôi tôm Việt Úc…

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện đầu tư hệ thống logistics gắn liền với cảng Quy Nhơn. Cảng Quy Nhơn hiện nay đang mở rộng để nâng lên sản lượng 20 triệu tấn/năm. Đến nay, tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ mở đường cao tốc lên Tây Nguyên để kết nối Tây Nguyên với Bình Định cùng với hoàn thiện hệ thống logistics, phát huy hiệu quả cảng Quy Nhơn.

Cuối cùng, mở rộng không gian thành phố Quy Nhơn gắn với phát triển kinh tế đô thị. Quan điểm của tỉnh Bình Định là không hình thành các đô thị nén để không dẫn đến tình trạng kẹt xe, quá tải hạ tầng khi dân từ địa phương đổ về Quy Nhơn sinh sống. Tỉnh sẽ xây dựng các đô thị vệ tinh. Năm 2025, sau thành phố Quy Nhơn sẽ có thành phố mới là An Nhơn, tiếp sau đó là Hoài Nhơn, Tây Sơn để mở rộng không gian đô thị của tỉnh Bình Định gắn với khai thác nguồn lực đất đai, tiềm năng không gian kinh tế biển của tỉnh...

Đột phá và tăng tốc

Cùng với 5 trụ cột nêu trên, Bình Định xác định 3 khâu đột phá. Thứ nhất, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; thứ hai là tiếp tục đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các ngành kinh tế; cuối cùng là tháo gỡ điểm nghẽn về đầu tư hạ tầng. Trong nhiệm kỳ này, tỉnh Bình Định sẽ hoàn thành tuyến đường ven biển, cao tốc và tất cả các tuyến đường kết nối đông-tây. Tỉnh cũng sẽ đầu tư 4 tuyến đường kết nối, không chỉ còn độc đạo quốc lộ 1 mà sẽ là 3 tuyến đường bắc-nam. Cùng với đầu tư hoàn thiện tuyến đường ven biển, đường kết nối các địa phương phía tây về phía biển, cao tốc bắc-nam đoạn qua tỉnh Bình Định đang gấp rút triển khai trong giai đoạn 2021-2025.

Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Trong vài năm tới, hệ thống kết cấu hạ tầng của Bình Định sẽ hoàn chỉnh đồng bộ khi có 3 trục đường hướng bắc-nam gồm đường cao tốc, quốc lộ 1 và đường ven biển cùng hệ thống đường đông-tây đã và đang được đầu tư. Đó là một thế mạnh nữa của Bình Định trong thu hút đầu tư bên cạnh lợi thế về biển với chiều dài hơn 130km. Ngoài ra, với những nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị trong nhiều năm qua, năm 2021 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Định xếp thứ 11 của cả nước, tăng 26 bậc so với năm 2020”.

Trong những ngày giữa mùa hè nắng đổ lửa của tháng 6, chúng tôi đến thăm công trình xây dựng cầu Cát Khánh. Trong không khí hối hả để kịp hợp long và hoàn thành cây cầu vượt biển thứ hai của Bình Định, ông Lưu Nhất Phong, Phó Trưởng ban Quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Bình Định cho biết: “Trong những năm gần đây, Bình Định đã tạo những kỷ lục về số lượng và khối lượng các công trình hạ tầng giao thông. Chỉ trong 5 năm gần đây chúng tôi đã thi công hoàn chỉnh các công trình có khối lượng hơn cả 20 năm trước cộng lại. Tại công trình này chúng tôi đang tập trung tăng ca để hoàn thành toàn tuyến đường ven biển trong dịp 2/9 tới”.

Từ giữa thập niên 90 của thế kỷ 20, sau khi được bổ sung vào vùng kinh tế trọng điểm miền trung, được sự chỉ đạo và cho phép của Thủ tướng Chính phủ, các đoàn lãnh đạo chủ chốt của Bình Định liên tục có nhiều chuyến công tác xúc tiến đầu tư ra nước ngoài. Ngày ấy, các đoàn công tác đến bất cứ tập đoàn kinh tế lớn nào của các quốc gia phát triển đều nghe các câu hỏi khá giống nhau. Đại loại như Bình Định có sân bay quốc tế, cảng biển, bệnh viện, trường học và nơi vui chơi đạt chuẩn quốc tế không? Và lãnh đạo các tập đoàn đó đều nói thẳng rằng nếu Bình Định chưa hội đủ, chưa sẵn sàng và chỉ cần thiếu một trong các yếu tố đó thì các nhà đầu tư này sẽ chưa thể vào đầu tư tại địa phương. Dĩ nhiên lúc bấy giờ tỉnh chưa hội đủ các yếu tố, các yêu cầu của các nhà đầu tư. Và các chuyến xúc tiến đầu tư như thế được xem như thất bại. Nhưng những chuyến đi như thế đã chỉ ra những việc cần phải làm đối với Bình Định trong những năm sau đó. Đến giờ, khi có phần lớn các điều kiện cần và đủ để sẵn sàng cho một sân chơi lớn, hội nhập quốc tế, Bình Định đã vững vàng và tự tin tăng tốc.

Một góc trung tâm thành phố Quy Nhơn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật