Kinh hoàng cảnh trước và sau thảm kịch sập chung cư 12 tầng tại Mỹ

Kem Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những bức ảnh chụp trước và sau khi chung cư 12 tầng ở bang Florida, Mỹ đổ sập hôm 24/6 đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Kinh hoàng cảnh trước và sau thảm kịch sập chung cư 12 tầng tại Mỹ
Tòa chung cư tại Miami trước và sau khi bị sập vào ngày 24/6 (Ảnh: Getty).

Những hình ảnh được ghi lại cho thấy cảnh tượng trước và sau khi tòa chung cư 12 tầng Champlain Towers ở Surfside, phía bắc Miami Beach, bang Florida, Mỹ đổ sập thành đống đổ nát màu xám khổng lồ vào rạng sáng 24/6.

Trong bức ảnh chụp trước khi thảm kịch xảy ra, khu vực sân thượng và mái của tòa nhà dường như bị hư hại do thời tiết. Sau thảm kịch, các hình ảnh cho thấy hàng loạt mảnh vỡ và đống đổ nát tràn vào khu vực hồ bơi của chung cư, trong khi một phần của tòa nhà vẫn đứng nguyên.

Tòa nhà 12 tầng với hơn 130 căn hộ bị sập một phần, khi nhiều người vẫn đang trong giấc ngủ. Giới chức địa phương xác nhận, ít nhất 1 người thiệt mạng, 11 người bị thương và 37 người được lôi ra khỏi đống đổ nát.

Thị trưởng Surfside Charles Burkett cho biết ít nhất 99 người mất tích sau khi tòa nhà bị sập. Con số thương vong được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lên, khi công tác tìm kiếm cứu hộ vẫn đang được thực hiện khẩn trương.

Hiện các nhà chức trách vẫn chưa công bố nguyên nhân chính thức gây ra vụ sập tòa nhà. Các kỹ sư về kết cấu công trình, đại diện chính quyền Surfside và sở cứu hỏa sẽ tham gia cuộc điều tra để tìm hiểu nguyên nhân vụ sập. Theo Sở cảnh sát Miami-Dade, họ sẽ điều tra vụ việc sau khi các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ hoàn tất.

Thị trưởng Charles Burkett cho biết, tòa nhà được xây dựng từ những năm 1980 và đang trong quá trình sửa chữa phần mái, nhưng ông không khẳng định liệu đây có phải là một yếu tố gây ra vụ sập hay không.

Shimon Wdowinski, giáo sư tại viện Môi trường thuộc Đại học Quốc tế Florida, từng công bố một nghiên cứu vào năm ngoái rằng, tòa chung cư Champlain Towers có dấu hiệu bị sụt lún từ những năm 1990. Theo nghiên cứu của ông, tòa nhà có tốc độ sụt lún khoảng 2 mm mỗi năm kể từ năm 1993 đến năm 1999.

Giáo sư Wdowinski nhận định chỉ riêng tình trạng sụt lún có thể sẽ không gây ra vụ sập, nhưng ông cho rằng nó có thể là một trong những nguyên nhân.

"Nếu một phần của tòa nhà bị tách ra so với phần còn lại, điều đó có thể gây ra một số rạn nứt", ông giải thích.

Khoảnh khắc tòa chung cư 12 tầng ở Mỹ đổ sập, 99 người mất tích

Gary Slossberg, người sáng lập công ty xây dựng National Home Building & Remodeling Corp ở Nam Florida, cho biết ông chưa thấy có bất kỳ thông tin cụ thể nào về nguyên nhân khiến tòa nhà sụp đổ, nhưng sau nhiều thập niên làm việc trong ngành xây dựng, ông đã có những nghi ngờ của mình.

"Nói chung, có rất nhiều điều có thể xảy ra. Lỗi xây dựng hoặc lỗi kỹ thuật", ông Gary nói, đồng thời đề cập đến vấn đề liên quan đến việc "kiểm tra định kỳ" tòa nhà.

Theo ông Gary, việc kiểm tra kỹ thuật, diễn ra 5 hoặc 10 năm một lần, có thể bao gồm việc dỡ bỏ vách thạch cao hoặc vật liệu khác và kiểm tra các dầm thép "để đảm bảo chúng không bị xói mòn".

Ông Gary nói thêm rằng lượng muối trong không khí ven biển ở Miami có thể khiến thép bị xói mòn.

"Nó giống như một căn bệnh ung thư. Vào thời điểm bạn phát hiện ra nó, có thể đã là quá muộn", Gary cho biết thêm.

Theo ông Gary, một khả năng khác có thể xem xét là các ban công của tòa nhà có thể đã gặp một số vấn đề về xây dựng. Ông cho biết nhiều tòa nhà ở khu vực Miami được xây dựng với ban công "dốc ngược", nghĩa là chúng không cho phép nước thoát ra ngoài sau khi mưa.

Thành Đạt   

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật