Phát hiện trẻ nói dối, phụ huynh có nên đánh mắng con?

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nên làm gì khi trẻ nói dối và phương pháp nào để điều chỉnh hành vi này của trẻ cho phù hợp là băn khoăn của các bậc phụ huynh.
Phát hiện trẻ nói dối, phụ huynh có nên đánh mắng con?
Phụ huynh trò chuyện cùng con. (Ảnh minh hoạ: Dastenirt)

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga, chuyên gia tâm lý viện nghiên cứu tâm lý thanh thiếu niên và nhi đồng (Hà Nội) cho rằng, trẻ không phải lúc nào cũng nghe bố mẹ răm rắp, đôi khi chúng ta sẽ bắt gặp con nói dối, trốn tránh sự thật. 

Nhiều nguyên nhân khiến trẻ sinh tật nói dối. Trong đó có nguyên nhân bắt chước từ người lớn. Nhiều ông bố không muốn tiếp khách liền sai con ra cổng nói bố không có nhà, hay mẹ vừa đếm tiền xoèn xoẹt trước mặt con, nhưng khi chồng về lại chìa ra chiếc ví rỗng toếch, kêu hết tiền. Nhiều người giúp việc cả buổi đưa trẻ sang nhà hàng xóm buôn chuyện, cười khanh khách, song khi chủ nhà về lại nhăn nhó than mệt... Những hành vi đơn giản tưởng như vô hại này lại vô tình ăn sâu vào tâm trí của trẻ, khiến trẻ bắt chước một cách vô thức.

Nếu bố mẹ không có phương pháp chỉ bảo cho các bé ngay từ đầu thì thói quen nói dối sẽ khiến các bé phát triển lệch lạc, phạm phải nhiều sai lầm khi trưởng thành. Vậy bố mẹ nên làm gì khi trẻ nói dối và phương pháp nào để điều chỉnh hành vi này của trẻ là phù hợp. 

Chúng ta hãy dừng làm “cảnh sát điều tra” (nếu cần điều tra thì hãy đừng làm trước mặt đứa trẻ). Càng tra hỏi, trẻ sẽ càng sợ, càng khiến con phải khổ sở nghĩ xem nói gì để bố mẹ không biết. Những cảm giác này sẽ hằn sâu trong tiềm thức trẻ rất lâu.

Theo tiến sĩ Thanh Nga, mục đích cuối cùng của phụ huynh là giáo dục trẻ biết điều đúng cần làm và nên làm. Do đó, khi con nói dối, bố mẹ hãy chấp nhận, bao dung với lỗi sai của con dừng vội trách mách, chửi bới bằng những từ ngữ miệt thị.

Phụ huynh nên tự hỏi bản thân rằng, mình đã làm gì khiến con phải nói dối; mình quá khắt khe cấm đoán con chăng, đã thực sự hiểu con có nhu cầu gì chưa; và bản thân có ép con học quá nhiều hay đang làm gì khiến con sợ không?

Chỉ cần bố mẹ chậm lại một chút, đặt câu hỏi với chính bản thân mình là bố mẹ sẽ làm chủ được cảm xúc tức giận lúc đó. Sau khi có thời gian bình tĩnh lại, bố mẹ hãy nhìn nhận sâu sắc cá nhân mình và lên kế hoạch dạy con tốt hơn.

Ở những lứa tuổi khác nhau, mức độ nói dối cũng khác nhau nên cha mẹ phải có những cách giải quyết phù hợp với từng tuổi của con.

Từ 3 đến 5 tuổi, trẻ chưa hiểu được sự khác biệt giữa việc nói dối và nói thật. Vì vậy, phản ứng bằng cách giận dữ và trách móc sẽ không giúp ích gì. Thay bằng cách hỏi: "Con đổ sữa ra đây phải không?", thì tập trung vào điều xảy ra: "Hừm, sữa đổ rồi", và gợi ý cách giải quyết: "Hãy đi lấy giấy và lau đi thôi".

Những câu nói phóng đại như: "Con có thể ăn hết 100 cái bánh rán" cũng chỉ là bằng chứng của trí tưởng tượng phong phú, chứ không phải một đứa trẻ lừa dối. "Đó là điều con ao ước phải không", nhận thức về giấc mơ của con và nhẹ nhàng làm rõ sự khác biệt giữa hiện thực và ảo tưởng.

Từ 6 đến 10 tuổi, trẻ nói dối bởi chúng muốn làm bạn vừa lòng, trối bỏ trách nhiệm, và trốn bị phạt. Trẻ có thể nói dối để có được cái mình muốn (chẳng hạn như được xem TV) hoặc để chiến thắng bạn bè.

Đừng vội quy kết trẻ là kẻ nói dối, hãy cho con hiểu rõ rằng bạn không chấp nhận sự thiếu trung thực. Hãy nói: "Con cần phải nói thật với mẹ, mẹ sẽ không giận dữ hay quát mắng con - mẹ sẽ rất tự hào nếu con không nói dối".

Cho trẻ biết rằng ai cũng phạm lỗi lầm và bạn vẫn yêu chúng. Nếu trẻ hay nói dối về những việc xảy ra hằng ngày, như chưa làm bài tập, những việc không làm hại ai hoặc gây nguy hiểm, thì bạn nên thể hiện một cái nhìn không vừa lòng và bày tỏ sự cứng rắn: "Thôi được. Mẹ sẽ kiểm tra bài vở của con. Chúng ta hãy cùng nhau xem bài tập này".

Từ 11 đến 14 tuổi, trẻ bắt đầu muốn sự riêng tư, chúng có thể "quên" không cho bạn biết về điều gì đó hoặc bỏ qua một số chi tiết nhất định. Trẻ có thể nói rằng ngày mai không có bài tập, nhưng thực tế lại rất nhiều vào những ngày sau và cả bài kiểm tra.

Ở độ tuổi này bạn bè và vị thế trong lớp là rất quan trọng, vì thế chúng dễ thêu dệt nên các câu chuyện để gây ấn tượng với bạn bè, chẳng hạn: "Bố mình vừa mua cho mình một chiếc ô tô to". Thay vì bóc mẽ con, bạn nên cho trẻ biết rằng bạn biết là con không trung thực và bạn rất không hài lòng về điều đó. "Mẹ biết là con không nói thật. Con có muốn nói lại không?".

Tiến sĩ Nga cho rằng, hầu như bé nào cũng có lần nói dối, cha mẹ phải biết cách giúp bé bỏ tính xấu này ngay từ nhỏ, nếu không thì hậu quả sẽ thật sự nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến nhân cách sau này của bé. Nếu bạn thử mọi cách mà trẻ vẫn nói dối thì hãy đưa tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý để cải thiện mỗi ngày.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật