Doanh nghiệp ở Hải Phòng kiến nghị ưu tiên nguồn vaccine ho người lao động

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các cơ quan chức năng của Hải Phòng cần xây dựng quy trình tiếp nhận thông tin chủ động, khoa học, bài bản, đồng thời có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vaccine để tiêm cho người lao động.
Doanh nghiệp ở Hải Phòng kiến nghị ưu tiên nguồn vaccine ho người lao động
Liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên cho nhóm, đối tượng ưu tiên đợt 1 tại Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Đây là hai nội dung cơ bản được đại diện công đoàn các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Hải Phòng đề xuất tại buổi làm việc mới đây của Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng, Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng với các công đoàn trực thuộc để nắm bắt tình hình công đoàn và công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Quá nhiều đầu mối song vẫn lúng túng

Tại các buổi làm việc, đại diện công đoàn cơ sở đều cho rằng trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, các đơn vị, ban ngành liên quan yêu cầu cơ sở cung cấp quá nhiều thông tin trùng lặp.

Xem Video: Đề xuất công nhân được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 

//

Chị Trần Thị Thúy, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Greating Fortune Conainer (Khu Công nghiệp Đình Vũ), cho biết, vào những thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mỗi ngày chị nhận được yêu cầu báo cáo của nhiều cơ quan quản lý khác nhau về cùng một nội dung. Có những việc, đơn vị đã gửi báo cáo bằng đường email song cơ quan quản lý nhà nước không phản hồi về việc tiếp nhận, sau đó lại yêu cầu gửi tiếp công văn có dấu tươi mới công nhận là văn bản hợp lệ.

Theo chị Thúy, ngoài công tác công đoàn, những cán bộ như chị Thúy còn phải đảm nhiệm công việc chuyên môn tại doanh nghiệp. Do đó, sự chồng chéo trong chỉ đạo đã tạo ra áp lực rất lớn cho những người kiêm nhiệm.

Ngoài vấn đề liên quan đến báo cáo, đại diện các doanh nghiệp cũng đề xuất với các ban, ngành của thành phố Hải Phòng là cơ quan chức năng của thành phố cần có kế hoạch hợp lý trong việc xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với người lao động.

Chị Đào Thị Thu Trang, Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghiệp Nam Đình Vũ, cho biết, rất nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp đều cho rằng việc xét nghiệm sàng lọc 50% số lao động trong doanh nghiệp chỉ là giải pháp tình thế, bởi rất có thể trong số những người chưa xét nghiệm cũng mang yếu tố nguy cơ. Hơn nữa, khi người lao động đã xét nghiệm với kết quả âm tính, bản thân họ sẽ chủ quan trong phòng, chống dịch.

Liên quan đến việc xây dựng kịch bản ứng phó với dịch COVID-19, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện máy Đại Dương (Khu Công nghiệp An Dương), cho biết, trong đợt xét nghiệm sàng lọc, công ty có 5 mẫu nghi ngờ. Ngay khi biết thông tin, các đối tác của công ty từ đơn vị cung cấp thức ăn, nước uống cho đến các đơn vị giao hàng khác đều từ chối giao, nhận hàng để phòng, chống dịch. Trong khi đó, hàng nghìn lao động phải ở lại công ty để chờ kết quả xét nghiệm. Dù đã có kịch bản phòng, chống dịch trước đó song công ty rất lúng túng để ứng phó, không biết gọi điện cho đơn vị nào đầu tiên để tìm sự hỗ trợ.

Cần sự thống nhất trong kế hoạch

Theo đại diện các doanh nghiệp, để gỡ những vướng về đầu mối thông tin, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến các công ty trong khu kinh tế, khu công nghiệp cần có sự liên thông trong tiếp cận tài liệu và số hóa các nội dung thông tin.

Chị Lê Thị Thu Giang, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dầu nhờn Cheveron Việt Nam, nêu ý kiến, trong thời điểm dịch bệnh, tất cả đều cần sự khẩn trương, chính xác, hiệu quả. Chính vì thế, việc tiếp nhận thông tin báo cáo qua các kênh online của cơ quan quản lý nhà nước phải được công nhận là thông tin chính thức. Các cơ quan như thuế, Ban Quản lý khu kinh tế, công đoàn khu cần xây dựng một phần mềm chung để tiếp nhận, xử lý văn bản để tiết kiệm thời gian cho chính đơn vị tiếp nhận và cả đơn vị xử lý thông tin.

Để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động, tất cả các doanh nghiệp đều kiến nghị về việc chính quyền thành phố Hải Phòng và Chính phủ cần ưu tiên nguồn vaccine tiêm cho người lao động tại các doanh nghiệp. Việc làm này sẽ đảm bảo 2 lợi ích, vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo việc phòng, chống dịch hiệu quả. Đại diện một doanh nghiệp cho biết, mỗi một mẫu xét nghiệm gộp giá đã trên 350.000 đồng, nếu mỗi doanh nghiệp phải xét nghiệm cho 50% số người lao động thì những doanh nghiệp có đông công nhân phải bỏ ra hàng tỉ đồng để test sàng lọc trong khi việc làm này này cũng chỉ có ý nghĩa tạm thời, trong khi đó một số doanh nghiệp đang trong giai đoạn hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Mặt khác, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài sẽ phải báo cáo về công ty mẹ nhiều nội dung liên quan đến vấn đề tài chính. Do đó, các chỉ đạo về xét nghiệm hoặc tiêm vaccine cần thống nhất về con số, thời gian để các doanh nghiệp có căn cứ để báo cáo.

Tiếp nhận ý kiến của đại diện các chủ tịch công đoàn cơ sở, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hải Phòng Tống Văn Băng cho biết, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ có những báo cáo cụ thể với lãnh đạo thành phố, đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan kịp thời xử lý vướng mắc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp song vẫn đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật