Cách xử trí tình huống đột tử do ngừng tim ở người khỏe mạnh

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngừng tim đột ngột ở người trẻ (SCA-Sudden cardiac arrest) là tình trạng tim đột ngột ngừng đập dẫn đến hậu quả máu không được bơm đi nuôi các cơ quan quan trọng, trong đó có não. bệnh nhân sẽ t‌ử von‌g trong vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời, đúng cách.
Cách xử trí tình huống đột tử do ngừng tim ở người khỏe mạnh
Cầu thủ Christian Eriksen được nhân viên y tế cấp cứu sau khi bị ngã quỵ ở phút 43, hiệp 1.

Người trẻ khỏe mạnh vẫn có khả năng ngừng tim đột ngột

Mới đây, tại vòng đấu bảng chung kết EURO 2021, trận đấu giữa Đan Mạch và Phần Lan vào rạng sáng ngày 13/6/2021, cầu thủ Christian Eriksen của đội tuyển Đan Mạch bất ngờ đổ gục trên sân bóng ở phút 43 của hiệp 1, không có sự va chạm hay chấn thương nào. Trước đó cầu thủ này vẫn thi đấu hoàn toàn tích cực, không có biểu hiện suy yếu hay mệt mỏi. Anh đổ gục xuống sân, mất ý thức, ngay khi kiểm tra tình hình và phát hiện cầu thủ bị ngừng tim, toàn bộ đội bóng còn lại đã đứng che cho các nhân viên y tế sơ cứu ép tim ngay tại sân bóng.

Eriksen đã rất may mắn được sơ cứu kịp thời và sau vài phút cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực, tim cầu thủ này đã đập trở lại và tình trạng hiện tại đã ổn định trong bệnh viện. Đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây ngừng tim đột ngột, nhưng khả năng đột quỵ não của Eriksen có thể được loại trừ do ý thức, chức năng vận động và cảm giác hồi phục gần hoàn toàn ngay sau cấp cứu tại sân vận động, anh có thể gọi điện thoại cho người thân và bạn bè từ bệnh viện.

Đây không phải là lần đầu bóng đá thế giới cũng như các môn thể thao khác chứng kiến hiện tượng này. Chuyện gì đã xảy ra với Eriksen, tại sao những người trẻ và rất khỏe mạnh, được rèn luyện thường xuyên lại có thể bị ngừng tim đột ngột như vậy?

Nguyên nhân nào dẫn đến ngừng tim đột ngột?

Theo BS.Ngô Đức Hùng (Khoa cấp cứu bệnh viện Bạch Mai), nguyên nhân gây ra tình trạng này chủ yếu là do rối loạn nhịp tim. Bình thường, quả tim đập được là do một nhóm các tế bào phát tín hiệu điện học theo chu kỳ, các tín hiệu này được dẫn truyền lan tỏa khắp các sợi cơ tim kíc‌h thí‌ch chúng co bóp tạo ra nhịp đập tống máu đi nuôi c‌ơ th‌ể. Vì một lý do nào đó quá trình này bị nhiễu loạn, hay gặp nhất ở người trẻ là các tình huống:

- Căng thẳng về thể chất (khi hoạt động cường độ cao, nồng độ một số ion như kali, magie trong máu thấp, thiếu oxy…).

- bệnh tim thiếu máu cục bộ (thường gặp ở người lớn tuổi, người trẻ hay gặp khi có các mô sẹo hoặc dị dạng đường dẫn truyền).

- bệnh di truyền.

- Thay đổi cấu trúc trong mô cơ tim.

Tất cả các nguyên nhân này thường rất khó phát hiện và hầu như không được chẩn đoán trước. Đến một lúc nào đó tình cờ hoặc có cơ hội khiến nó bộc lộ ra dẫn đến ngừng tim.

Như trường hợp cầu thủ Christian Eriksen, trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện gì đặc biệt. Đến phút 43, là điểm giới hạn cần phải nghỉ ngơi ở hiệp 1 thì xảy ra tình huống này.

Còn theo TS. Đặng Việt Đức khoa Hồi sức tim mạch - bệnh viện TWQĐ 108, những nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim do bệnh lý tim mạch thực thể thường có triệu chứng kèm theo, người bệnh dễ dàng được chẩn đoán qua thăm khám tim mạch thường xuyên. Trong trường hợp Christian Eriksen, là một cầu thủ có giá trị chuyển nhượng rất cao, nên khả năng Eriksen có tình trạng bệnh lý rối loạn nhịp tim mà các kiểm tra y học thông thường chưa phát hiện được. Đây chính là những đặc điểm của rối loạn nhịp tim bẩm sinh (hoặc gọi là: hội chứng rối loạn nhịp tim tiên phát) mà hiểu biết của chuyên ngành tim mạch thế giới vẫn còn nhiều khoảng trống kiến thức.

Hình ảnh cơ tim bình thường và bệnh cơ tim phì đại. 

Các hội chứng này liên quan đến rối loạn di truyền trong các gen chi phối hoạt động của các kênh ion điện học của tim, có tính chất di truyền gia đình. Điểm đặc biệt là các thăm khám về hình thái cấu trúc quả tim, thậm chí giải phẫu t‌ử th‌i thì cấu trúc tim vẫn hoàn toàn bình thường. Việc phát hiện chủ yếu dựa vào hình ảnh ghi điện tim, nhưng các bất thường trên điện tim đôi khi lại không diễn ra liên tục nên người bệnh và chuyên gia y tế không xác định được.

Điều đáng sợ nhất là các hoạt động điện học bẩm sinh của tim thường dẫn tới rối loạn nhịp tim rất nguy hiểm, thường là nhanh thất, rung thất làm tim không bơm được máu tới các tạng và dẫn tới bệnh nhân nhanh chóng t‌ử von‌g nếu không được cấp cứu kịp thời.

Chính vì vậy đối với những người có yếu tố nguy cơ cao, như: có người trong gia đình đột tử dưới 50 tuổi mà giải phẫu t‌ử th‌i không tìm thấy nguyên nhân; tiền sử hay bị ngất không rõ nguyên nhân, liên quan đến gắng sức hoặc cả lúc ngủ nghỉ, nên được đi thăm khám đánh giá về bệnh lý tim mạch và theo dõi định kỳ, thậm chí làm các xét nghiệm chuyên sâu như xét nghiệm gen nếu có yếu tố nguy cơ cao để sớm phát hiện bệnh và có biện pháp điều trị phù hợp, tránh những biến cố đáng tiếc có thể xảy ra.

3/6 mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi cấp cứu ngừng tuần hoàn cho Eriksen ngay tại sân vận động.

Cách xử trí tình huống ngừng tim

Cũng theo BS.Ngô Đức Hùng, biện pháp duy nhất để cấp cứu là dùng máy khử rung ngay lập tức. Tuy nhiên, khi ngoài cộng đồng gặp phải tình huống này thì động tác CPR - hồi sinh tim phổi cơ bản là quan trọng nhất. Các động tác ép tim tuần tự sẽ giúp quả tim đập một cách thụ động bơm máu lên não để chờ thời gian dùng máy khử rung (nếu có) hoặc hết cơn rối loạn nhịp, tim sẽ tái lập lại nhịp bình thường.

Trong trường hợp Christian Eriksen đã tự tái lập lại được nhịp tim và nhờ động tác CPR giúp cho não được duy trì sức chịu đựng nên anh đã tỉnh táo lại.

Cùng quan điểm này, TS. Đặng Việt Đức cho rằng: Ở Việt Nam việc trang bị các máy phá rung tự động (như trong trường hợp cấp cứu Eriksen) rất hạn chế. Việc biết cách sử dụng máy của người dân hầu như không thể, nên việc quan trọng nhất chính là ép tim ngoài lồng ngực và hỗ trợ hô hấp qua việc thổi ngạt.

Cách cấp cứu đột tử tim trong cộng đồng.

Các bước cấp cứu khi gặp người bị ngừng tim đột ngột:

* Khai thông đường thở: đặt bệnh nhân nằm ngửa trên nền cứng, đầu và cổ ưỡn tối đa, mặt quay về một bên. Người cấp cứu dùng tay mở miệng bệnh nhân, dùng tay móc sạch đờm dãi và dị vật.

* Thổi ngạt cho bệnh nhân: có thể thổi miệng-miệng hoặc miệng-mũi, tuy nhiên thổi miệng-miệng thường có hiệu quả hơn. Dùng một bàn tay đặt trên trán bệnh nhân, ấn ngửa đầu bệnh nhân ra sau, dùng ngón trỏ và ngón cái kịp mũi bệnh nhân lại. Các ngón tay của bàn tay thứ hai nâng hàm dưới của bệnh nhân ra trường đồng thời mở miệng người bệnh. Người cấp cứu hít sâu áp chặt miệng và miệng nạn nhân, thổi hết không khí dự trữ qua miệng người bệnh. Tần số thổi nên từ 10-12 lần/phút, nếu làm đúng kỹ thuật, sau mỗi lần thổi sẽ thấy lồng ngực bệnh nhân nở vồng lên.

* Ép tim ngoài lồng ngực: chọn vị trí thích hợp ở một bên người bệnh, một bàn tay đặt lên chính giữa 1⁄2 dưới xương ức, bàn tay kia đặt chồng lên bàn tay trước, các ngón tay xen kẽ cùng chiều nhau, dùng lực ép vuông góc xuống lồng ngực bệnh nhân sao cho xương ức lún xuống 4-5cm, sau đó nhấc tay lên thực hiện nhịp ép thứ hai, tần số ít nhất là 100 lần/phút.

Hai động tác ép tim và thổi ngạt được thực hiện xen kẽ nhau nhịp nhàng theo chu kỳ hồi sinh tim phổi. Một chu kỳ hồi sinh tim phổi gồm 30 lần ép tim sau đó là 2 lần thổi ngạt.

Kiên trì cấp cứu cho đến khi có người hỗ trợ hoặc đến khi nạn nhân có thể tự hồi phục. Tuy nhiên, dù nạn nhân có tự hồi phục thì cũng phải đưa ngay tới cơ sở y tế để tìm và giải quyết nguyên nhân hoặc biến chứng của việc ngừng tim./.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật