Lộ “sóng ngầm” thị trường lai dắt tàu biển - lĩnh vực “bí ẩn” đối với nhiều người

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mặc dù chỉ thanh tra hoạt động lai dắt tàu biển tại cảng biển Quảng Ninh, Nghệ An, cơ quan quản lý phần nào chạm tới những lớp “sóng ngầm” tại thị trường cung cấp dịch vụ đặc thù này.
Lộ “sóng ngầm” thị trường lai dắt tàu biển - lĩnh vực “bí ẩn” đối với nhiều người
Lai dắt tàu biển là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có tính đặc thù cao. Trong ảnh: Một tàu lai dắt hoạt động tại khu vực cảng Quảng Ninh.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa ban hành Kết luận thanh tra số 3595/KL-BGTVT về việc chấp hành các quy định của Pháp Luật trong quản lý, kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển.

Đây là lần đầu tiên, Bộ GTVT tiến hành hành thanh tra hoạt động cung cấp dịch vụ lai dắt hỗ trợ tàu biển - một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có tính đặc thù cao và vẫn còn “bí ẩn” đối với nhiều người.

Theo quy định tại Điều 178, Bộ luật Hàng hải Việt Nam (năm 2005), lai dắt tàu biển là việc lai, kéo, đẩy hoặc túc trực bên cạnh tàu biển, các phương tiện nổi khác trên biển và trong vùng nước cảng biển bằng tàu lai. Lai dắt tàu biển bao gồm lai dắt trên biển và lai dắt hỗ trợ trong vùng nước cảng biển.


Các chủ tàu phải ký hợp đồng với các doanh nghiệp hành nghề cung cấp dịch vụ lai dắt tàu biển để được lai dắt tàu cập, rời cảng; hộ tống, dẹp luồng cho tàu đi qua luồng hẹp, nhiều phương tiện hoặc lai kéo các phương tiện không tự hành.

Theo Quyết định thanh tra số 2272/QĐ-BGTVT, ngày 8/12/2020 về việc chấp hành các quy định của Pháp Luật trong quản lý, kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển, đối tượng thanh tra đợt này là Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ Hàng hải Nghệ An và các doanh nghiệp kinh doanh lai dắt tàu biển trong vùng nước cảng biển thuộc trách nhiệm quản lý của các cảng vụ Quảng Ninh, Nghệ An.

Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh và Cảng vụ Hàng hải Nghệ An (thuộc Cục Hàng hải Việt Nam) là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước, được áp dụng cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong hoạt động lai dắt hỗ trợ tàu biển, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh và Cảng vụ Hàng hải Nghệ An có trách nhiệm quản lý, phê duyệt kế hoạch điều động tàu, giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định.

Tại thời điểm thanh tra (từ ngày 28/12/2020 đến 28/1/2021), Đoàn thanh tra của Bộ GTVT ghi nhận có 14 đơn vị kinh doanh lai dắt tàu biển hoạt động trong vùng nước cảng biển thuộc trách nhiệm quản lý của Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh và Cảng vụ Hàng hải Nghệ An. Các đơn vị này sử dụng 29 phương tiện lai dắt với cấp phương tiện và công suất khác nhau, trong đó, có nhiều phương tiện cũ, hoán cải, có tuổi đời cao.

Theo thanh tra Bộ GTVT, tồn tại nổi cộm nhất trong hoạt động cung ứng dịch vụ lai dắt tại khu vực cảng biển Quảng Ninh và Nghệ An là nhiều kế hoạch điều động tàu hàng ngày do Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh và Cảng vụ Hàng hải Nghệ An phê duyệt không đảm bảo công suất tối thiểu của phương tiện lai dắt theo quy định tại Nội quy cảng biển.

Cụ thể, tại Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 8/2020, Công ty cổ phần Vận tải biển Nhật Minh đã bố trí tàu lai Nhật Minh Ship 8 (công suất 1.800 CV) để lai dắt 10 lượt tàu có chiều dài trên 180 m, trong khi theo quy định, tàu lai phải đạt công suất tối thiểu 2.000 HP, gồm: Luni (184,99 m) cập, rời bến phao ITC, ITC-05-55000 DWT; Anta (189,9 m) cập, rời bến phao ITC05; Fearless (185 m) cập, rời bến phao ITC04; DZ Heze (189,9 m) cập, rời bến phao ITC04; Global Andes (182,98 m) cập, rời bến phao ITC03; Erlyne (189,9 m) cập, rời bến phao ITC05.

Tại Cảng vụ Hàng hải Nghệ An, trong tháng 7/2019, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam bố trí tàu lai Ngọc Hải 68 (công suất 1.240 CV) lai dắt 7 lượt tàu biển có chiều dài trên 140 m (trong khi yêu cầu tàu lai công suất nhỏ nhất phải đạt 1.600 CV), gồm: VTC Planet (157,5 m), Chang Da 218 (169,3 m), Vega Star (157,5 m), Geely (150 m), Inlaco Bright (154,3 m), TanBinh 129 (150,5 m), Great Hono (159,6 m) và 4 lượt tàu biển có chiều dài trên 180 m (yêu cầu tàu lai công suất nhỏ nhất 2.600 CV), gồm: ASIA Zircon I (190 m), Ocean Glory (189,9 m), Afros Majuro (199,9 m), Rui Ning 7 (189,9 m).

Cũng tại khu vực cảng biển Nghệ An, từ tháng 5 đến tháng 6/2020, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam bố trí tàu lai Ngọc Hải 86 (công suất 1.320 CV) để lai dắt 4 lượt tàu biển có chiều dài trên 140 m, trong khi yêu cầu tàu lai công suất nhỏ nhất 1.600 CV, gồm: Ithaca Visby (179,9 m), TanBinh 123 (154,3 m), Jin Fuxing (159,8 m), Sky Height (159,4 m) và 1 lượt tàu biển có chiều dài trên 180 m (yêu cầu tàu lai công suất nhỏ nhất 2.600 HP) là tàu Internal Luck (185,7 m).

Từ tháng 7 đến tháng 8/2020, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Hải bố trí tàu lai Ngọc Hải 86 (công suất 1.320 CV) lai dắt tàu High Voyager có chiều dài 180 m (trong khi yêu cầu tàu lai công suất nhỏ nhất là 1.600 CV) và tàu lai Ngọc Hải 68 (công suất 1.240 CV) lai dắt tàu Alpine Marina có chiều dài 183,17 m (trong khi yêu cầu tàu lai công suất nhỏ nhất là 2.600 CV).

Mặc dù trong Kết luận số 3595/KL-BGTVT, Bộ GTVT không nêu rõ những hệ lụy có thể xảy ra đối với lỗi vi phạm này, nhưng theo một chuyên gia hàng hải, việc sử dụng tàu lai công suất thấp hơn yêu cầu tối thiểu là hành vi gian lận, làm phát sinh nguy cơ mất an toàn hàng hải mà đối tượng chịu thiệt chính là các hãng tàu khi không nhận được chất lượng dịch vụ tương xứng với chi phí bỏ ra.

Quản lý cũng “việt vị”

Một hành vi vi phạm phổ biến khác trong hoạt động cung cấp dịch vụ lai dắt, hỗ trợ tàu biển tại khu vực cảng biển Quảng Ninh và Nghệ An là một số doanh nghiệp đã thu giá dịch vụ không đúng với biểu giá quy định tại Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT về việc ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng, cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.

Cụ thể, qua kiểm tra xác xuất hóa đơn thu tiền dịch vụ tàu lai tại một số ngày trong các tháng 1/2019, 4/2019, 10/2019, 5/2020, 7/2020, Đoàn thanh tra phát hiện Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh đã thực hiện thu giá dịch vụ lai dắt hỗ trợ đối với tàu lai Hồng Gai công suất 1.260 HP tại khu vực Cảng PV Oil với mức giá 6,6 triệu đồng/giờ và tại khu vực Cảng Xi măng Hạ Long với mức giá 6,050 triệu đồng/giờ, trong khi giá tối đa theo quy định là 5,7 triệu đồng/giờ.

thanh tra Bộ GTVT xác định, Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh cung cấp dịch vụ tại cảng biển cao hơn mức giá tối đa do Bộ trưởng Bộ GTVT quy định đã vi phạm khoản 1, Điều 23, Nghị định số 142/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.

Tại khu vực cảng biển Nghệ An, thanh tra Bộ GTVT phát hiện, Công ty cổ phần Tàu lai DKC thực hiện thu giá dịch vụ lai dắt hỗ trợ tàu biển với mức giá thấp hơn mức giá tối thiểu của khung giá theo quy định.

Cụ thể, phương tiện lai dắt DKC 01 công suất 5.054 CV có giá dịch vụ lai dắt áp dụng cho các tàu có trọng tải dưới 20.000 DWT hoạt động vận tải nội địa lần lượt là 10,390 triệu đồng/giờ và 17,2 triệu đồng/giờ (giá tối thiểu theo quy định là 22,3 triệu đồng/giờ); hoạt động vận tải quốc tế lần lượt là 824 USD/giờ, 1.143 USD/giờ và 1.503 USD/giờ (giá tối thiểu theo quy định là 1.683 USD/giờ).

Qua kiểm tra xác suất hóa đơn thu tiền dịch vụ lai dắt tàu biển một số ngày trong các tháng 10/2019, 2/2020, thanh tra Bộ GTVT phát hiện, Công ty cổ phần Tàu lai DKC đã thực hiện thu giá dịch vụ lai dắt hỗ trợ tàu biển là 9 triệu đồng/giờ khi thực hiện lai dắt tàu Fools Gold vào ngày 7/10/2019 và 10,390 triệu đồng/giờ khi thực hiện lai dắt tàu MT Blue Ocean vào ngày 7 và 8/2/2020, trong khi giá tối thiểu theo quy định là 22,3 triệu đồng/giờ.

“Công ty cổ phần Tàu lai DKC cung cấp dịch vụ tại cảng biển thấp hơn mức giá tối thiểu do Bộ trưởng Bộ GTVT quy định đã vi phạm khoản 1, Điều 23, Nghị định số 142/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải”, thanh tra Bộ GTVT ghi nhận.

Bên cạnh đó, thanh tra Bộ GTVT cho rằng, các đơn vị kinh doanh lai dắt đang có sự cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận, nên dẫn đến tình trạng còn nhiều đơn vị chưa thực hiện đúng các quy định về giá dịch vụ lai dắt, đầu tư trang thiết bị lai dắt; chưa tuân thủ, còn xây dựng kế hoạch lai dắt không đủ số lượng, công suất của tàu lai.

Một điều khá hy hữu là, trong số 14 đơn vị cung cấp dịch vụ rơi vào “tầm ngắm” của thanh tra Bộ GTVT, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh lại là đơn vị duy nhất vi phạm điều kiện pháp lý trong việc cung cấp dịch vụ lai dắt tàu biển. Tại thời điểm thanh tra, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh đang khai thác thương mại 2 tàu lai là Cái Lân 06 và Cái Lân 08 - tài sản nhà nước được hình thành từ Dự án Đầu tư xây dựng Cảng Cái Lân, trong khi theo quy định, đơn vị được tham gia cung cấp dịch vụ đặc biệt này phải là doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh được thành lập theo quy định của Pháp Luật

“Trách nhiệm đối với tồn tại này thuộc về Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh và Cục Hàng hải Việt Nam, khi chưa tuân thủ chỉ đạo và các quy định về quản lý công sản”, Bộ GTVT đánh giá.

Được biết, tại Kết luận số 3595/KL-BGTVT, Bộ GTVT yêu cầu Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh và Cảng vụ Hàng hải Nghệ An phải tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền, hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra tồn tại, sai sót trong quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh, Công ty cổ phần Lai dắt và dịch vụ hàng hải cảng Cửa Lò, Công ty cổ phần Tàu lai DKC, Công ty TNHH MTV Golden Lotus Shipping chấp hành nghiêm quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“thanh tra Bộ GTVT phải tiếp tục tổ chức đoàn thanh tra này để tiến hành thanh tra hoạt động lai dắt (theo kế hoạch năm 2020 chuyển sang năm 2021) nhằm đánh giá toàn diện hơn; trên cơ sở đó tổng hợp, kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện thể chế, chính sách tăng cường quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển”, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật