Nước Nhật - đâu chỉ có nghệ thuật cắm hoa Ikebana

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nước Nga đã đánh nhau với Đất nước Mặt trời mọc 5 lần kể từ năm 1904 đến nay - một con số kỷ lục
Nước Nhật - đâu chỉ có nghệ thuật cắm hoa Ikebana
Tàu ngầm di‌esel-điện “Taigei“. Ảnh: google.com

Xin được giới thiệu cùng bạn đọc bài phân tích của chuyên gia hải quân Nga Timokhin Alexandr với tiêu đề và phụ đề trên đăng trên tuần báo “Người đưa tin công nghiệp quốc phòng” (VPK - Nga) ngày 3/11/2020 mới đây bàn về sức mạnh quân sự tiềm tàng của người Nhật để cùng tham khảo một cách nhìn.

Các phần in nghiêng và nghiêng đậm để nhấn mạnh ý của tác giả và chú giải của tòa soạn đều là của VPK.

Quân đội Nhật Bản tấn công Siberia và chiếm giữ toàn bộ đảo Sakhalin cho đến tận năm 1925, vào năm 1945, Liên Xô đánh bại nước này và vì thế cho đến tận bây giờ người dân Nhật vẫn không tha thứ cho chúng ta (người Nga) về thất bại đó của họ.

Cùng với đó, nếu tính theo một loạt các tiêu chí, quốc gia này hiện đang có ưu thế quân sự trước Nga, và thêm nữa- sau lưng Nhật Bản là nước Mỹ.

Mối đe dọa tiềm ẩn

Tại Liên bang Nga, Nhật Bản không được coi là một quốc gia có sức mạnh quân sự đáng kể.

Ở cấp độ người dân bình thường, hiện đang tồn tại một quan điểm khuôn mẫu cho rằng người Nhật chỉ có một số khả năng quân sự nào đó, Hải quân của họ tuy có lớn hơn Hạm đội Thái Bình Dương của chúng ta một chút, nhưng không có việc gì phải quá lo lắng.

Nhưng trên thực tế, mọi thứ lại hoàn toàn ngược lại

A.P. Chekhov (nhà văn, nhà viết kịch người Nga-ND) có một câu nói rất nổi tiếng như sau "Nếu như ở màn đầu (của vở kịch), trên tường sân khấu có treo một khẩu súng ngắn, thì trong màn cuối, dứt khoát nó sẽ khai hỏa”.

Ở một góc độ nào đó, tất cả những gì có liên quan đến sức mạnh quân sự Nhật Bản ngày nay đều làm chúng ta liên tưởng tới một khẩu súng ngắn đang treo trên tường.

Sau thất bại trong chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản trở thành một quốc gia phi quân sự hóa . Nhưng chỉ vào đầu những năm 1950, với sự hỗ trợ tích cực của Mỹ, quá trình tái quân sự ở nước này đã bắt đầu khởi động.

Năm 1955, tại nước Nhật bắt đầu xuất hiện Bộ đội Đổ bộ Đường không - một lực lượng tấn công đúng nghĩa. Quy mô quân số của Nhật lúc đó thậm chí còn lên tới hàng chục nghìn người với cả xe tăng và vũ khí hạng nặng.

Trong suốt thời kỳ chiến tranh Lạnh, Nhật Bản liên tục tăng cường năng lực tác chiến của Các Lực lượng Phòng vệ và mở rộng quy mô những khu vực địa lý.

Sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, thế giới đã liên tục chứng kiến cảnh Nhật Bản triển khai lực lượng quân đội của mình để hỗ trợ các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq (2001-2003), kể cả tham gia trực tiếp vào chiến dịch chiếm đóng Iraq bằng cách cử một lực lượng tới đó (2003), ra một quyết định được sự đồng thuận của tất cả các đảng phái trong Quốc hội với nội dung cho rằng điều 9 Hiến pháp Nhật Bản (về việc không xác định chiến tranh là một phương tiện để giải quyết các xung đột) sẽ phải bị hủy bỏ trong tương lai và Các Lực lượng Phòng vệ sẽ phải được nâng cấp thành Các Lực lượng Vũ trang hoàn chỉnh (2005), bố trí căn cứ quân sự đầu tiên của mình ở nước ngoài (Djibouti, 2011), thành lập lực lượng Lính thủy Đánh bộ (2018), công bố quyết định (của Thủ tướng Shinzo Abe) về việc vào năm 2020 Điều 9 Hiến pháp phải được bãi bỏ (nhưng chưa được Quốc hội thông qua).

Cần phải khẳng định rằng, trong bất kỳ trường hợp nào, dự định trên cũng sẽ sớm trở thành hiện thực.

So sánh các tiềm lực

Lục quân Nhật Bản có quy mô quân số- vũ khí trang bị chỉ bằng một nửa so với Lục quân Nga, nhưng Lục quân Nhật có ưu thế vượt trội so với Quân khu Đông của Nga nếu vẫn tính theo tiêu chí quân số.

Cùng với đó, Tokyo hoàn toàn có thể tự túc đảm bảo được mọi phương tiện kỹ thuật tác chiến (vũ khí- khí tài) hiện đại do chính mình sản xuất và có nguồn dự trữ dồi dào để tăng cường nhanh chóng sức mạnh cho Lục quân .

Về không quân, nếu tính theo số lượng máy bay chiến đấu của Không quân tiêm kích, Không quân của Đất nước Mặt trời mọc cũng chỉ bằng một nửa Không quân Nga.

Nhưng có một điểm rất tế nhị ở đây- Nhật Bản, với những công nghệ tiên tiến của mình, là nước đi tiên phong trong việc đưa radar mảng pha chủ động vào trang bị cho máy bay, và hiện nay nếu xét về cự ly phát hiện mục tiêu thì máy bay Nhật cơ bản là vượt trội so với các máy bay Nga, chỉ trừ Su-35 và MiG-31.

Xét tổng thể các phẩm chất tác chiến, chỉ Su-35 mới thực sự có khả năng đối phó với những biến thể “Nhật Bản hóa” các máy bay F-15 của Mỹ và sản phẩm (máy bay) khác của ngành công nghiệp hàng không Nhật Bản – như Mitsubishi F-2, trong mọi loại hình tác chiến.

Còn nếu tính nhóm máy bay tiêm kích hiện đại, ưu thế về số lượng thuộc về người Nhật, Su-35 của chúng ta chỉ có số lượng không lớn.

Không chỉ thế, Liên bang Nga còn gặp vấn đề với các tên lửa hiện đại, và việc cung cấp các tên lửa lớp “không đối không” thực sự có khả năng chống lại một đối thủ mạnh như Nhật mới chỉ được bắt đầu. Người Nhật không gặp vấn đề tương tự.

Ngoài ra, câu hỏi về khả năng triển khai một số lượng đủ lực lượng của Không quân Nga tại một khu vực có mạng lưới sân bay không phát triển như vùng Viễn Đông vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ - với người Nhật, chuyện này đơn giản hơn nhiều.

Nhật Bản chiếm ưu thế về máy bay radar phát hiện từ xa (cảnh báo sớm- AWACS): có tới 17 chiếc - E-2 Hawkye (13 chiếc) và Boeing-767 (4 chiếc). Để so sánh: Nga có 9 chiếc A-50 , trong số đó chỉ có 5 chiếc đã được hiện đại hóa.

Còn máy bay A-100 sẽ được đưa vào trang bị cho Bộ đội Đường không- Vũ trụ Nga vào khi nào và với số lượng bao nhiêu- vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời vì giá thành và khả năng sản xuất hàng loạt kiểu máy bay mới này.

Nhưng ưu thế triệt để nhất của Nhật bản- đó là ưu thế trước Hải quân Nga. Đến thời điểm hiện tại, Hải quân LB Nga có 31 tàu mặt nước trang bị vũ khí tên lửa dẫn đường (có điều khiển) với lượng giãn nước từ 2.000 tấn trở lên có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tác chiến ở vùng biển xa.

Đấy là không tính tới những tàu kiểu như tàu đổ bộ cỡ lớn "Đô đốc Kharlamov" tuy vẫn còn trong danh sách nhưng sẽ không bao giờ hoạt động trở lại, chỉ tính tất cả các tàu hiện đang nằm bờ nhưng có cơ hội sẽ quay trở lại “hàng ngũ” vào một thời điểm nào đó, chẳng hạn như tàu tuần dương hạt nhân mang tên lửa "Đô đốc Nakhimov" hoặc tàu hộ vệ (theo phân loại của NATO- khinh hạm) "Nheustrashimyi” của Hạm đội Baltic hiện đang trong quá trình sửa chữa “không bao giờ kết thúc”.

Trong danh sách trên (31 tàu), có tính cả nhưng tàu hộ vệ không có chức năng giải quyết các nhiệm vụ tác chiến trên các vùng biển xa. Nhưng vì thiếu những tàu tốt hơn nên buộc phải điều chúng đến những khu vực đó (biển xa).

Trong khi đó, những hậu duệ của Nữ Thần Mặt Trời có 45 tàu nổi, và xét tổng thể, chúng mạnh hơn nhiều so với hầu hết các tàu của chúng ta (Nga). Liên bang Nga có một “tàu sân bay không hoàn chỉnh” "Đô đốc Kuznetsov".

Về mặt lý thuyết, Nhật Bản không có các tàu sân bay, nhưng trên thực tế, những tàu được cho là tàu khu trục- mang máy bay lên thẳng lớp “Izumo” của họ đang được cải hoán để trở thành tàu sân bay hạng nhẹ có khả năng mang tới 20 máy bay tiêm kích cất cánh và hạ cánh thẳng đứng F-35B,- và những tàu này sẽ được cải hoán xong không muộn hơn năm 2030.

Vào thời điểm đó, chúng ta (Nga) chắc chắn sẽ không có tàu sân bay mới nào, còn tàu “Kuznetsov” thì đã hơn 40 tuổi.

Trong tương lai gần, Nhật Bản sẽ có được ưu thế gấp hai lần và có các máy bay trên tàu sân bay hiện đại hơn so với Liên bang Nga. Nhân tiện xin nói thêm, người Nhật đã tuyên bố thẳng về việc sẽ mua những máy bay như vậy.

Chưa hết, các “đối tác” của chúng ta còn giấu được một sự thật rằng những tàu mang máy bay lên thẳng đầu tiên của họ kiểu "Hyuga" cũng có thể được sử dụng làm tàu sân bay sau khi cải hoán ở mức tối thiểu. Những tàu sau cải hoán này, tất nhiên, phải thừa nhận rằng đây sẽ là những tàu sân bay tồi.

Nhưng cũng nên nhớ là chính nhờ những chiếc tàu sân bay cỡ nhỏ “tồi” và khó chịu như vậy mà người Anh đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh giành quần đảo Falklands. Và như vậy, về tiềm năng, người Nhật có thể nâng số lượng tàu sân bay của mình lên tới 4 chiếc.

Xét về các khả năng đổ bộ của Hải quân, Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thua kém Hải quân Nga một cách toàn diện. Người Nhật chỉ có 3 tàu đổ bộ cỡ lớn lớp “Ozumi” mang máy bay lên thẳng trên boong, 2 tàu đổ bộ cỡ nhỏ mang xe tăng và 7 xuồng đổ bộ.

Nhưng những lực lượng này mạnh lại hơn rất nhiều so với tất cả những gì đang có trong biên chế của Hạm đội Thái Bình Dương Nga. Ngoài ra, về khả năng đổ quân từ các máy bay lên thẳng, người Nhật vượt trội hơn Hải quân Nga, - trong lĩnh vực này, ưu thế của họ gần ở mức tuyệt đối.

Người Nhật chỉ có 20 tàu ngầm phi hạt nhân (không tính 2 tàu ngầm huấn luyện và chiếc tàu ngầm điện- di‌esel mới nhất "Taigei" vừa hạ thủy cách đây không lâu nhưng chưa được chính thức đưa vào biên chế), ít hơn hai lần so với tổng số tàu ngầm cả hạt nhân và điện- di‌esel của chúng ta.

Điểm khác biệt là các tàu ngầm Nhật Bản luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu thực sự - chúng được trang bị ngư lôi, các phương tiện thủy âm hiện đại, được sửa chữa và hiện đại hóa kịp thời, và rõ ràng là các kíp thủy thủ của họ được đào tạo và huấn luyện tốt hơn.

Lực lượng tàu ngầm của chúng ta không thể tự hào về điều này. Trong trang bị Hải quân Nga không có hệ thống điều khiển ngư lôi từ xa (điều khiển từ xa qua cáp quang) thuộc loại hiện đại và cũng không có một sĩ quan nào biết sử dụng chúng. Về cơ bản đây là sự kết thúc.

Đối thủ ở một "hạng cân" hoàn toàn khác so với chúng ta. Nó có thể bắn vào chúng ta, nhưng chúng ta không thể bắn vào chúng (và có thể lượn lờ rình rập các tàu ngầm hạt nhân của chúng ta ở ngay lối ra từ các căn cứ ở Kamchatka. – Tòa soạn VPK).

Tất cả những số liệu thống kê đáng buồn này xuất phát từ thực tế là một phần rất đáng kể các tàu nổi và đại bộ phận các tàu ngầm hạt nhân của chúng ta đang ở trong tình trạng "sửa chữa vĩnh viễn" ở các mức độ khác nhau,- một số không nhỏ trong những tàu đó không còn cơ hội trở lại hàng ngũ. Đối với người Nhật, tình hình tốt hơn rất nhiều.

Và yếu tố cuối cùng: tất cả lực lượng của người Nhật được tập hợp thành "một quả đấm", còn của chúng ta-bố trí rải rác trên tất cả các khu vực chịu trách nhiệm của các hạm đội. Riêng chỉ mình Hạm đội Thái Bình Dương nếu đem so với những gì người Nhật có- đơn giản là một đại lượng không đáng kể xét theo bất kỳ góc độ nào nào.

Nhân tố tàu khu trục bay

Cần phải đặc biệt bàn nhiều đến lực lượng không quân chống ngầm. LB Nga sẽ không có một máy bay chống tàu ngầm mới nào trong tương lai gần. Chưa có ý tưởng rõ ràng nào về việc phải trang bị cho máy bay chống ngầm hệ thống ngắm bắn- sục sạo như thế nào, và đây mới là yếu tố chủ chốt.

Tất cả những gì hiện có trong ngày hôm nay là máy bay chống ngầm Il-38N đã được hiện đại hóa phần nào- nhưng chỉ tới cấp độ của người Mỹ và người Nhật những năm 80 của thế kỷ trước.

Việc hiện đại hóa Tu-142 cũng không cải tiến được gì nhiều khả năng chống ngầm của nó, và Nga chỉ có một số rất ít máy bay kiểu này. Lực lượng chủ yếu của Không quân chống ngầm Nga hiện nay là các máy bay chưa được hiện đại hóa với khả năng tối đa là rải mìn trên biển.

Kawasaki P-1

Trái ngược với chúng ta, Tokyo có lực lượng không quân tuần tiễu mạnh thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ, họ đã sản xuất được một kiểu máy bay chiến đấu Kawasaki P-1 xuất sắc tính theo mọi thước đo và vượt trội cả P-8 Poseidon của Mỹ ở rất nhiều tham số.

Không những vượt trội tổng thể Không quân Hải quân Nga về chất lượng các máy bay chiến đấu chống tàu ngầm, Nhật Bản còn có ưu thế cả về số lượng.

Nhiều hơn hai lần (cùng với đó, cả các máy bay chống ngầm “Kawasaki” và các “Orion” hiện có đều là phương tiện mang tổ hợp tên lửa chống hạm “Harpoon”, và như vậy, chúng hoạt động như những tàu khu trục bay mang vũ khí tên lửa có điều khiển.

Có khoảng một trăm chiếc máy bay như vậy- những máy bay này là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu nổi của Hạm đội Thái Bình Dương Nga. – nhận định của Tòa soạn báo VPK).

Cần phải nhắc lại một lần nữa rằng - tất cả những số liệu so sánh trên đây là so sánh với toàn bộ Các Lực lượng Vũ trang LB Nga nói chung, chứ không phải chỉ riêng với Quân khu phía Đông Nga.

Nếu tính đến thực tế là các lực lượng chống tàu ngầm và lực lượng tàu ngầm Nhật Bản rất mạnh, chúng ta có thể mạnh dạn cho rằng các tàu ngầm trên Thái Bình Dương của chúng ta (Nga) sẽ không thể chống lại lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật