Phát triển mô hình nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhằm phát huy hiệu quả một số mô hình nuôi tôm hiện có ở địa phương, tỉnh Cà Mau đang chú trọng phát triển nuôi tôm siêu thâm canh và thâm canh, phát triển nuôi luân canh tôm - lúa, phát triển nuôi tôm - rừng theo hướng mở rộng diện tích nuôi đạt chứng nhận quốc tế.
Phát triển mô hình nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh gắn với bảo vệ môi trường tại xã Hòa Tân, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh sẽ phát triển nuôi tôm theo hướng hiện đại trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Cùng với đó, đầu tư phát triển sản xuất theo chiều sâu, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, phấn đấu giữ vững vị trí đứng đầu cả nước về nuôi tôm.

Đến năm 2025, tỉnh Cà Mau giữ ổn định diện tích nuôi tôm khoảng 280.000 ha, sản lượng đạt 700.000 tấn, tăng bình quân 3,5%/năm. 

Tỉnh sẽ xây dựng 5 vùng nuôi tôm siêu thâm canh với diện tích nuôi tôm siêu thâm canh 1.000 ha đạt chứng nhận quốc tế; đồng thời, phát triển diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh tập trung ở những vùng có điều kiện thuận lợi với khoảng 10.000 ha; trong đó có 500 ha đạt chứng nhận quốc tế. 

Tỉnh định hướng phát triển nuôi tôm quảng canh cải tiến đến năm 2025 đạt khoảng 200.000 ha và 20.000 ha nuôi tôm theo hình thức hữu cơ; trong đó phấn đấu có 10.000 ha được chứng nhận quốc tế.

Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh mô hình phát triển nuôi luân canh tôm - lúa. Đây là mô hình phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Cà Mau, góp phần gia tăng sản lượng tôm nuôi. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển đạt khoảng 40.000 ha nuôi luân canh tôm - lúa; trong đó có 10.000 ha nuôi theo hình thức hữu cơ được chứng nhận.

Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau định hướng tập trung phát triển mô hình nuôi tôm - rừng. Nuôi tôm - rừng thuộc mô hình sinh thái, đối tượng chính là tôm sú. Mô hình này dễ thích nghi với các địa phương có lợi thế về rừng ngập mặn. Với mô hình này, tỉnh định hướng phát triển vùng nuôi tôm - rừng theo phương thức hữu cơ kết hợp nuôi đan xen với cua, sò huyết, cá... dưới tán rừng, hướng tới chứng nhận sinh thái cho sản phẩm sạch, góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của ngành hàng tôm Cà Mau trên thị trường trong và ngoài nước. 

Hiện tỉnh Cà Mau có 19.000 ha được đánh giá và cấp các chứng nhận nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế như Naturland, B.A.P, EU, Selva Shrimp và VietGap, với khoảng 4.200 hộ dân tham gia mô hình nuôi, sản lượng tôm có chứng nhận đạt năng suất trên 10.000 tấn/năm.

Giai đoạn 2014-2020, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh tăng bình quân 4,1%/năm. Riêng năm 2020, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 600.000 tấn; trong đó sản lượng tôm ước đạt 210.000 tấn, tăng bình quân 4,7%/năm.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau chú trọng phát triển nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, Naturland, BAP, EU, ASC, Selva Shrimp,VietGAP...; đồng thời quan tâm hỗ trợ xúc tiến các hợp đồng liên kết doanh nghiệp với vùng nuôi theo chuỗi giá trị, hỗ trợ các điều kiện để được chứng nhận quốc tế.

Hàng năm, tỉnh có trên 20 doanh nghiệp ký kết và duy trì trên 60 lượt hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với 23 hợp tác xã, tổ hợp tác để cung ứng vật tư đầu vào và xây dựng vùng tôm nguyên liệu có chứng nhận quốc tế. Những hợp đồng liên kết này không chỉ để cung ứng vật tư đầu vào gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mà còn cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu có chứng nhận quốc tế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật