Thêm động lực cho Kinh Môn phát triển

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với việc xây dựng thêm một số cây cầu và tuyến đường huyết mạch sẽ thúc đẩy hơn nữa kinh tế - xã hội Kinh Môn phát triển.
Thêm động lực cho Kinh Môn phát triển
Công trình đường, cầu Vạn kết nối quốc lộ 37 (Chí Linh) với đường dẫn cầu Triều (Kinh Môn) sẽ thay thế đò Vạn, tạo động lực cho 2 địa phương phát triển kinh tế-xã hội

Công trình mới

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã nhất trí và khẳng định việc xây dựng công trình đường, cầu Vạn kết nối quốc lộ 37 với đường dẫn cầu Triều; đường, cầu nối quốc lộ 5 với đường tỉnh 389B là cần thiết, phù hợp với điều kiện, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, các huyện Kim Thành, Thanh Hà trong giai đoạn tới.

Công trình cầu, đường nối quốc lộ 5 với đường tỉnh 389B có điểm đầu tại xã Kim Xuyên (Kim Thành), điểm cuối ở xã Thượng Quận (Kinh Môn). Tuyến dài khoảng 3,35 km, chiều rộng 24 m, cầu vượt sông Kinh Môn dự kiến dài 476 m, vốn đầu tư khoảng 931 tỷ đồng. Tuyến đường nhằm từng bước hình thành trục kết nối các vùng huyện phía đông tỉnh, kết nối thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) với thị xã Kinh Môn và các huyện Kim Thành, Thanh Hà. Tuyến đường còn giảm tải cho quốc lộ 17B, nhất là cầu An Thái.

Công trình đường, cầu Vạn kết nối quốc lộ 37 với đường dẫn cầu Triều dài 9,7 km, trong đó cầu vượt sông Kinh Thầy dài 919 m. Điểm đầu công trình ở phường Đồng Lạc, đi qua phường Tân Dân (Chí Linh), phía Kinh Môn, qua các xã Quang Thành, Lê Ninh, với vốn đầu tư dự kiến 1.064 tỷ đồng.

Ngoài 2 công trình trên, Kinh Môn còn dự kiến làm đường nối từ quốc lộ 17B đến đường dẫn cầu Dinh dài 3,08 km, kinh phí 333,39 tỷ đồng.

Bà Sái Thị Yến, Bí thư Thị ủy Kinh Môn cho biết: “Công trình cầu, đường nối quốc lộ 5 với đường tỉnh 389B sẽ triển khai vào đầu quý III tới, các công trình còn lại cũng sẽ sớm được triển khai’’.

Những năm gần đây, Kinh Môn đã đầu tư nhiều công trình trọng điểm, làm diện mạo thị xã ngày càng khang trang

Đổi thay

Kinh Môn có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đất đai màu mỡ. Những năm trước đây, do giao thông đi lại khó khăn nên đã kìm hãm sự phát triển của nơi này. Sau khi cầu An Thái được làm vào năm 1999, đến nay Kinh Môn có thêm 5 cây cầu, đã phá vỡ thế “ốc đảo’’, tạo điều kiện cho thị xã phát triển.

Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã trung bình đạt 11,8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp còn chưa đầy 30%. Địa phương đã thu hút được nhiều dự án lớn, nổi bật là Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương với vốn đầu tư trên 2,2 tỷ USD. Diện mạo Kinh Môn cũng có nhiều thay đổi khi năm 2019 được công nhận là thị xã.

Sau khi cầu Mây, cầu Triều và cầu Dinh được xây dựng, Kinh Môn càng trở thành điểm hấp dẫn khi có nhiều nhà đầu tư chọn làm điểm dừng chân. Công ty CP Bất động sản Hyosung Việt Nam đang đầu tư cụm công nghiệp (CCN) Quang Trung (xã Quang Thành) rộng gần 75 ha và một trung tâm thương mại quy mô lớn. Công ty CP Tập đoàn Nhà Việt HD xây dựng CCN Thất Hùng rộng 60 ha, CCN tại phường An Phụ, các xã Thăng Long, Bạch Đằng cũng đã có chủ đầu tư. Ở Kinh Môn đang hình thành nhiều khu dân cư mới tại các xã, phường Quang Thành (10 ha), Thất Hùng (trên 8,1 ha), Bạch Đằng, Thượng Quận, An Phụ...

Ông Trần Văn Tuyên, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị Kinh Môn cho biết: “So với 5 năm trước đây, Kinh Môn đã có nhiều thay đổi. Được đầu tư thêm nhiều công trình mới, chắc chắn diện mạo thị xã sẽ khang trang hơn nữa’’.

Trước những cơ hội mới, thị xã Kinh Môn đã có những định hướng cụ thể để phát triển. Địa phương dự kiến xây dựng khu thương mại tập trung ở 2 đầu cầu và khu văn hóa của thị xã ở xã Thượng Quận, công viên chuyên đề tại phường Thất Hùng, sân gôn 27 lỗ ở xã Hiệp Hòa, cảng hành khách tại phường Duy Tân… Phối hợp với một số đơn vị khai thác hết tiềm năng du lịch cũng như phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sạch nhằm nâng cao giá trị nông sản. Thị xã cũng tập trung chỉnh trang đô thị, xây dựng các công trình công cộng như nhà tang lễ, công viên, nhà máy xử lý rác… để được công nhận là đô thị loại III trước năm 2025. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật