Sự quan tâm đặc biệt của Trung Quốc tới vấn đề Ukraine - Nga

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cách Mỹ phản ứng với căng thẳng giữa Nga và Ukraine nhiều khả năng sẽ tác động tới những tính toán của Trung Quốc trong việc sát nhập Đài Loan vào lãnh thổ.
Sự quan tâm đặc biệt của Trung Quốc tới vấn đề Ukraine - Nga
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Đo lường sự quyết tâm của Mỹ

Một trong những người quan tâm sâu sắc nhất tới những bất đồng giữa Mỹ và Nga trong việc Moscow xây dựng quân đội dọc theo biên giới với Ukraine, chắc chắn là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bởi giống Nga, Trung Quốc cũng đang cố gắng sát nhập một vùng lãnh thổ từng là một phần của mình trong lịch sử, và đang ngày càng thân Mỹ hơn - Đài Loan. Cách ông Tập nhìn nhận về vấn đề giữa Nga và Ukraine có thể sẽ ảnh hưởng tới phương thức Trung Quốc sẽ dùng để thống nhất Đài Loan - sự kiện có tác động lớn tới an ninh và ổn định của khu vực Đông Á.

Căng thẳng Nga - Ukraine đang thử thách sức mạnh của Mỹ. Sau 4 năm ông Donald Trump lấy "nước Mỹ trên hết" làm phương châm, Mỹ đã khiến nhiều nước đồng minh phải cảnh giác với mình, song song với việc gây ra sự phân cực về chính trị và xã hội ngay tại quê nhà. Nhiều người tin rằng hoàng hôn của quyền lực toàn cầu mà Mỹ nắm giữ đang đến gần. Cộng thêm với những sự thách thức không ngừng từ Nga và Trung Quốc, Mỹ có lẽ đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất để duy trì quyền lực của mình, kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Thời gian qua, Trung Quốc đã thường xuyên gửi máy bay chiến đấu và thực hiện các cuộc tập trận gần lãnh thổ Đài Loan. Nhiều người lo ngại đây là động thái báo trước cho một cuộc chiến tranh trong tương lai.

tiêm kích J-16 của Trung Quốc trong một lần áp sát đảo Đài Loan. Ảnh: Cơ quan phòng vệ Đài Loan.

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đang cố giảm sự phụ thuộc kinh tế của hòn đảo vào Trung Quốc và tăng cường quan hệ ngoại giao với Mỹ. Washington sẵn sàng bắt tay Đài Loan, dù vẫn duy trì chính sách “một Trung Quốc”, không chính thức công nhận hòn đảo này là một nước độc lập. Ông Biden đã mời Đài Loan tham dự Hội nghị thượng đỉnh vì Dân chủ tháng 12/2020 vừa qua, như một quốc gia. Trung Quốc tin rằng, Đài Loan đang phát triển theo hướng bất lợi cho họ, giống như việc Ukraine đang ngày một đi xa khỏi quỹ đạo xung quanh Nga, để đến với Mỹ.

Shelley Rigger, một chuyên gia về Đài Loan tại Đại học Davidson ở Bắc Carolina, cho rằng ông Tập Cận Bình đang lo lắng rằng Mỹ có đang thực sự "dùng mối quan hệ với Đài Loan để đàn áp sự trỗi dậy của Trung Quốc hay không". Vì vậy, ông Tập sẽ quan sát kỹ vấn đề Ukraine để đo lường sự quyết tâm của Mỹ. Cụ thể, Mỹ sẽ theo dõi xem ông Biden sẽ gây áp lực thế nào để Nga phải lùi bước, hay phối hợp với các đồng minh - thậm chí là những nhà ngoại giao Mỹ - có hiệu quả hay không.

Mỹ đang đánh mất quyền lực của mình?

Tuy nhiên, sẽ sai lầm lớn nếu cho rằng Mỹ sẽ phản ứng với vấn đề Đài Loan giống như Ukraine. Mỹ khẳng định sẽ không gửi quân đội tới Ukraine, nhưng vẫn mập mờ trong việc có làm điều tương tự với Đài Loan hay không. Vì vậy, Trung Quốc có thể sẽ lao vào một cuộc chiến với Mỹ, nếu quyết định tấn công Đài Loan.

Mỹ có nhiều lý do để bảo vệ Đài Loan hơn Ukraine. Không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng trong xương sống quyền lực của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, hòn đảo này còn là nguồn cung cấp dồi dào chất bán dẫn và các sản phẩm công nghệ cao. Tháng 12, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Ely Ratner mô tả Đài Loan là “nơi tập trung mạng lưới các đồng minh và đối tác của Mỹ, có vai trò quan trọng với an ninh của khu vực và quan trọng đối với việc bảo vệ các lợi ích quan trọng của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.”

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn từng khẳng định, châu Á sẽ hứng chịu hậu quả khủng khiếp nếu Đài Loan sụp đổ. (Ảnh: Business Insider)

Không chỉ vậy, vị thế của Mỹ tại châu Âu và châu Á cũng khác hẳn nhau. Những quyết định về Ukraine của Mỹ có thể bị hạn chế bởi NATO và Liên minh châu Âu (EU), bởi ông Biden chỉ có thể tiến xa nếu các đồng minh của ông cũng sẵn sàng. Còn tại châu Á, Mỹ giành được nhiều sự ủng hộ hơn trong vấn đề Đài Loan. Tháng 7/2020, Tarō Asō, lúc đó là phó thủ tướng Nhật Bản, nói rằng Nhật sẽ cùng với Mỹ để bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo này bị Trung Quốc tấn công.

Về phía Trung Quốc, một cuộc tấn công xuyên eo biển Đài Loan được dự báo sẽ rất đẫm máu, và gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong khi đó, Nga chưa chắc đã sát nhập thành công Ukraine, nhưng Tổng thống Putin chắc chắn với những tính toán của mình hơn. Có thể Nga và Trung Quốc sẽ phát động tấn công cùng một lúc; hoặc Bắc Kinh sẽ đợi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nổ ra, rồi sau đó mới khai hoả. Tuy nhiên, theo Rupert Hammond-Chambers, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Đài Loan, Trung Quốc sẽ không phụ thuộc vào kế hoạch của bất kỳ nước nào, bởi họ đã là một trong những cường quốc số 1 thế giới. Chuyên gia Shelly Rigger cũng cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa sẵn sàng sử dụng vũ lực.

Tuy nhiên, không gì là không thể. Ông Tập Cận Bình có thể coi việc sát nhập Đài Loan là chiến tích sẽ đưa tên mình vào lịch sử dân tộc. Nhưng có một điều chắc chắn là các vấn đề Đài Loan và Ukraine đã cho thấy sự hụt hơi của Mỹ trong kỷ nguyên của sự xung đột và bất ổn định trên toàn cầu.

“Tất nhiên tình huống của Ukraine và Đài Loan không giống nhau,” Pletka, chuyên gia thuộc viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, nói. “Nhưng có những điểm tương đồng về sự quyết tâm của Mỹ trong hai vấn đề này. Tôi tin rằng nhiều nước khác cũng đang để ý tới sự hụt hơi của Mỹ, và tính toán bước đi tiếp theo của mình.”

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật